Chứng khoán Mỹ sa sút trước ngày Fed ra quyết định, đường cong lợi suất tiếp tục đảo ngược
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 313 điểm, tương đương 1,01%, và kết phiên ở 30.706 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,13% còn gần 3.856 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 0,95% còn 11.425 điểm.
Sáng 20/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày. Trong nhiều tuần qua, các nhà đầu tư đã dự báo quan chức ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tuyên bố nâng lãi suất 75 điểm cơ bản (bps) vào chiều 21/9.
Thị trường chứng khoán liên tục xuống dốc trong những tuần gần đây khi Chủ tịch Fed Jerome Powell và các lãnh đạo khác của Fed nhiều lần tái khẳng định quyết tâm thắt chặt tiền tệ cho đến khi lạm phát hạ nhiệt đáng kể, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế.
Lợi suất trái phiếu đi lên trong khi giá cổ phiếu giảm. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc vọt lên 3,99%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Theo CNBC, lợi suất kỳ hạn 10 năm chạm 3,6%, cao nhất tính từ 2011. Biểu đồ dưới đây cho thấy lợi suất kỳ hạn 2 năm cao hơn 10 năm trong khoảng ba tháng qua, tức là đường cong lợi suất đang đảo ngược.
Thông thường, lợi suất kỳ hạn dài phải cao hơn lợi suất kỳ hạn ngắn để bù đắp cho rủi ro lớn hơn. Nhiều nhà đầu tư coi hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu của suy thoái kinh tế trong khoảng 12 tháng tới.
Theo ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Cresset Capital, việc lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng mạnh có thể là một trong những nguyên nhân gây ra biến động trên thị trường cổ phiếu.
“Nhà đầu tư đã phản ánh vào giá quyết định nâng lãi suất thêm 75 bps vào ngày 21/9. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là những phát biểu trong buổi họp báo có thể sẽ mang tính rất diều hâu”, ông Ablin nói.
Sau cuộc họp của FOMC, Chủ tịch Jerome Powell sẽ tổ chức một buổi họp báo để thông tin thêm về định hướng chính sách cũng như phân tích tình hình kinh tế. Thái độ diều hâu tức là Fed ưu tiên nâng lãi suất để chống lạm phát. Ngược lại, bồ câu mang nghĩa ưu tiên tăng trưởng kinh tế.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi các phát biểu của ông Powell để đoán xem Fed sẽ nâng lãi suất thêm bao nhiêu trong các cuộc họp tiếp theo và tác động tới nền kinh tế sẽ ra sao.
Trong một diễn biến khác, đại gia xe hơi Ford Motor ngày 20/9 thông báo các vấn đề liên quan tới lạm phát và chuỗi cung ứng làm chi phí trong quý III tăng thêm 1 tỷ USD. Giá cổ phiếu Ford lao dốc 12,3%, đánh dấu phiên giảm sâu nhất trong hơn 11 năm qua và kéo theo 7 tỷ USD vốn hóa bay hơi.
Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều đi xuống trong phiên 20/9. Các ngành nhạy cảm với tình hình kinh tế vĩ mô như vật liệu và bất động sản là những nhóm đi xuống mạnh nhất. Biểu đồ dưới đây cho thấy đà giảm lan rộng của thị trường chứng khoán Mỹ.