|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ không thể duy trì đà phục hồi, Dow Jones quay đầu giảm 234 điểm

06:42 | 08/08/2024
Chia sẻ
Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, dẫn đầu là Nvidia, đã chặn đà phục hồi của chứng khoán Mỹ trong phiên 7/8.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 7/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 234 điểm, tương đương 0,6% xuống 38.763 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,77% và đóng cửa ở mức 5.200 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,05% và chốt phiên với 16.196 điểm. 

 

Ở mức cao nhất trong phiên, Dow Jones từng tăng 480 điểm, trong khi S&P 500 tiến thêm 1,73% và Nasdaq Composite vọt lên hơn 2%.

Việc cổ phiếu Nvidia và các ông lớn công nghệ khác quay đầu giảm vào buổi chiều đã khiến các chỉ số trung bình chính lao dốc. Chốt phiên 7/8, cổ phiếu Nvidia mất 5,1%, lần đầu tiên xuống dưới mốc 100 USD/cp. 

Trong khi đó, cổ phiếu Super Micro Computer tụt 20,1% sau khi công ty này công bố lợi nhuận quý tài chính thứ 4 không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích. Ngoài ra, cổ phiếu Tesla cũng giảm 4,4%, còn Meta (Facebook) đi xuống khoảng 1%. 

Cổ phiếu Nvidia lần đầu tiên tụt xuống dưới 100 USD/cp kể từ cuối tháng 5. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng lên khoảng 3,95%. Trước đó, lợi suất từng tụt xuống khoảng 3,78% trong bối cảnh số liệu việc làm yếu hơn kỳ vọng khiến thị trường lo sợ về một đợt suy thoái. 

Thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall là chỉ số biến động CBOE (VIX) ở mức 28 - giảm mạnh so với mức đỉnh 65 vào đầu tuần. Diễn biến này cho thấy nỗi sợ của các nhà đầu tư đang giảm bớt, nhưng vẫn ở mức cao. 

“Trong vài ngày qua, biến động đã lắng xuống một chút. Song, thị trường vẫn còn khá nhiều biến số, chẳng hạn như bao nhiêu giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yen sẽ bị huỷ bỏ và căng thẳng địa chính trị sẽ diễn biến ra sao”, ông Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Allianz Investment Management, nhận định.

Trong phiên 5/8, có lúc VIX đã lên mức 65. 

Theo Deutsche Bank, những biến động gần đây của thị trường chưa đủ khiến các điều kiện tài chính thắt chặt tới mức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hành động, chẳng hạn như hạ lãi suất khẩn cấp. 

Sử dụng những số liệu của Fed, Deutsche Bank cho biết các điều kiện tài chính mới chỉ thắt chặt khoảng 0,15 điểm cơ bản (bps) kể từ ngày 31/7. Tuy nhiên, đây vẫn là mức biến động lớn nhất của chỉ số các điều kiện tài chính kể từ tháng 11/2022. 

Nhà kinh tế Justin Weidner của Deutsche Bank cho biết: “Đợt thắt chặt gần đây có thể đáng lo ngại nhưng chỉ số của Fed cho thấy các điều kiện tài chính vẫn ở mức trung tính với triển vọng tăng trưởng trong tương lai”. 

"Nếu không có sự thắt chặt mạnh mẽ và rộng rãi hơn (tức là ngoài cổ phiếu), những biến động gần đây của thị trường khó có thể thúc đẩy Fed hành động quyết liệt hơn", ông nhấn mạnh.

Chỉ số của Fed sử dụng kết hợp 7 biến số, bao gồm giá trị thị trường chứng khoán, giá nhà, lợi suất của các loại chứng khoán nợ khác nhau và USD.

 

Minh Quang

Bức tranh kinh tế Hà Nội 8 tháng đầu năm: IIP tăng 5,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, nền kinh tế thủ đô đã có những bước tiến đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng 0,1% so với tháng trước và 5,4% cùng kỳ, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD...