|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ xanh tươi sau ba phiên bán tháo, Dow Jones phục hồi sau khi mất hơn 2.000 điểm

07:05 | 07/08/2024
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận kết quả tích cực trong phiên 6/8, tiếp nối đà phục hồi của chứng khoán châu Á.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 6/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 294 điểm, tương đương 0,76% và đóng cửa ở mức 38.998 điểm. Ba phiên trước đó, Dow Jones đã giảm tổng cộng 2.140 điểm.

 

Chỉ số S&P 500 tăng 1,04%, chốt phiên với 5.240 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tiến thêm 1,03% và kết thúc với 16.367 điểm. Như vậy, cả ba chỉ số trung bình chính của chứng khoán Mỹ đã kết thúc chuỗi giảm điểm kéo dài ba ngày.

Tương tự, chỉ số Stoxx 600 của châu Âu cũng phục hồi thêm 0,29%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 10,23%, ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ 2008, còn Topix tiến thêm 9,3%. Trước đó chỉ một ngày, Nikkei 225 từng giảm 12,4%, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987. 

 

Cả 11 lĩnh vực của S&P 500 đều đi lên trong ngày, trái ngược hoàn toàn so với kết quả của phiên 5/8. Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn cũng phục hồi sau đợt giảm sâu vừa qua. Trong đó, cổ phiếu Nvidia tăng 3,8%, cổ phiếu Meta (Facebook) đi lên 3,9%.

Cổ phiếu VinFast (VFS) cũng phục hồi 3% lên mức 3,78 USD/cp, tương ứng mức vốn hóa 8,8 tỷ USD. Trước đó, trong phiên 5/8, cổ phiếu của hãng xe điện này từng mất 6,5%. 

Trước đó vào ngày 5/8, cả 11 nhóm cổ phiếu của S&P 500 đều ghi nhận kết quả tiêu cực. 

Ông Ross Mayfield, chiến lược gia đầu tư tại Baird, nhận định rằng biến động có thể sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian tới khi giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) đồng yen đổ vỡ. 

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm áp lực trong những tuần tới. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nỗi sợ về tăng trưởng đã bị thổi phồng quá mức”, chuyên gia này cho biết.

Thị trường lao động vẫn tương đối lành mạnh, mặc dù có phần hạ nhiệt, trong khi các chỉ số kinh tế khác vẫn mạnh mẽ, ông Mayfield nói thêm. “Mặc dù biến động thị trường vẫn có thể tiếp tục, tôi không lo lắng về các yếu tố cơ bản”.

Vào phiên 5/8, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một phiên bán tháo lớn trước nỗi lo về tình hình kinh tế. Chỉ số Dow Jones giảm 1.034 điểm, tương đương 2,6% trong khi S&P 500 tụt 3%. Cả hai chỉ số đều ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022. Nasdaq Composite cũng mất 3,4%. 

Đồng yen đã tăng khoảng 11% so với USD trong vòng một tháng qua. 

Một phần nguyên nhân của đợt bán tháo này đến từ việc các giao dịch carry trade sử dụng đồng yen đi tới hồi kết.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất từ phạm vi 0 - 0,1% lên "khoảng 0,25%", mức cao nhất trong vòng 15 năm qua và phát tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Động thái này khiến đồng yen mạnh lên và chi phí đi vay bằng đồng tiền này cũng đắt đỏ hơn. 

Động thái mới của BoJ đã ảnh hưởng lớn đến những nhà giao dịch vay yen Nhật để mua các loại tài sản khác. Vào ngày 6/8, đồng yen có lúc đã yếu đi so với USD, nhưng sau đó tỷ giá USD/JPY lại nhanh chóng quay về quanh mốc 145 vào cuối phiên. 

Minh Quang