|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc bán tháo trong vài ngày qua chỉ là màn dạo đầu, giông tố trên thị trường vẫn chưa chấm dứt?

17:03 | 06/08/2024
Chia sẻ
Đà tăng giá của đồng yen và nỗi lo nền kinh tế Mỹ suy thoái đã kích hoạt cuộc bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Nhà đầu tư sợ nếu cuộc bán tháo kéo dài, hệ thống tài chính sẽ gặp trục trặc và đẩy thế giới vào suy thoái.

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Suy thoái gần kề?

Các con số nhảy múa trên màn hình giao dịch hôm 5/8 khiến ngay cả các chuyên gia chứng khoán lão luyện cũng choáng váng.  

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 lao dốc 12%. Ở Seoul, Kospi giảm 9%. Và khi thị trường New York mở cửa, Nasdaq rơi 6% trong nháy mắt. Giá tiền mã hóa trượt dốc, thước đo nỗi sợ VIX nhảy vọt.

Không ai biết chắc liệu biến động dữ dội trong phiên 5/8 là cái kết hoành tráng của cuộc bán tháo toàn cầu bắt đầu từ tuần trước hay là khởi đầu của giai đoạn suy sụp kéo dài.

Điều rõ ràng là ba trụ cột của thị trường tài chính thế giới trong vài năm qua đã bị lung lay. Các nhà đầu tư có lẽ vừa nhận ra những giả định của họ quá ngây thơ.

Trước kia, họ từng tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ không thể suy yếu, trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh chóng tạo ra cuộc cách mạng trong kinh doanh và Nhật Bản sẽ không bao giờ tăng lãi suất - hoặc chỉ tăng không đáng kể.

Nhưng các dữ liệu được công bố trong vài tuần qua đi ngược với mọi giả định nói trên. Báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ cho thấy thị trường lao động yếu hơn hẳn so với dự kiến. Báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty AI cũng gây thất vọng. Và ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tiếp tục tăng lãi suất vào tuần trước.

Ba cú sốc liên tiếp khiến các nhà đầu tư chợt nhận ra rủi ro từ niềm lạc quan thái quá. Trong vòng ba tuần, vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu bốc hơi khoảng 6.400 tỷ USD. 

Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại ngân hàng Mizuho ở Singapore, bình luận: “Đây là cuộc đảo chiều khổng lồ”.

Theo cách nói của các nhà đầu tư, cố gắng chọn đúng thời điểm để mua một tài sản đang mất giá cũng nguy hiểm như việc bắt con dao rơi. Ông Varathan nhận xét: “Ngày hôm qua, dao rơi ở khắp nơi”. 

Mỗi đợt thị trường hoảng loạn luôn tạo ra rủi ro lớn và nhỏ. Nỗi sợ lớn nhất của nhà đầu tư là nếu cuộc bán tháo kéo dài quá lâu, nó có thể gây trục trặc cho hệ thống tài chính, cản trở hoạt động cho vay và trở thành tác nhân cuối cùng đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Lối suy nghĩ trên khiến một số nhà đầu tư kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất khẩn cấp trong vài ngày tới.

Trên thị trường trái phiếu, lần đầu tiên trong vòng hai năm qua, lợi suất kỳ hạn hai năm có lúc đã giảm xuống dưới kỳ hạn 10 năm. Việc đường cong lợi suất đảo chiều đi lên sau khi xuống dốc báo hiệu suy thoái đang gần kề. 

Trong vài năm qua, thị trường chứng khoán cũng từng bị rúng động bởi nỗi sợ suy thoái, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực Mỹ năm ngoái. Nhưng nhà đầu tư và thị trường nhanh chóng phục hồi khi thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng bền bỉ.

 

Chưa hết lo ngại

Các điều kiện để hình thành cơn bão trên thị trường chứng khoán toàn cầu hôm 5/8 đã tích tụ trong vài tuần qua. 

Vào đầu tháng 7, đồng yen bắt đầu tăng giá rõ rệt khi thị trường dự đoán BoJ sắp sửa thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều đó thúc đẩy các nhà đầu tư khép lại các vị thế carry trade bằng đồng yen - tức là đi vay giá rẻ ở Nhật Bản để đầu tư kiếm lời ở nơi khác. Để có tiền trả nợ, nhà đầu tư phải bán bớt tài sản, gây áp lực lên các thị trường toàn cầu.

Tiếp theo, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II cho thấy các công ty công nghệ lớn vẫn chưa thu được lợi nhuận đáng kể từ các khoản đầu tư khổng lồ dành cho AI. Giá cổ phiếu Amazon và Intel cắm đầu giảm sau khi công bố số liệu gây thất vọng.

Cùng lúc đó, thị trường trái phiếu liên tục phát tín hiệu cảnh báo và dữ liệu báo hiệu nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt. Vào ngày 31/7, giá trái phiếu kho bạc Mỹ bắt đầu tăng khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất còn BoJ thắt chặt chính sách.

Hai ngày tiếp theo, nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu kho bạc Mỹ khi thấy tỷ lệ thất nghiệp đi lên và số việc làm mới trong tháng 7 thấp hơn hẳn dự kiến.

Các nhà kinh tế Phố Wall bắt đầu dự đoán Fed sẽ tung ra các đợt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản - động thái thường chỉ được thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng.

Ông Shoki Omori, trưởng phòng chiến lược của Mizuho Securities, tới văn phòng vào 6h sáng ngày 5/8 và chuẩn bị sẵn sàng cho sự náo động của thị trường. Nhưng ông vẫn bị sốc bởi quy mô của cuộc bán tháo.

Khi giá yen tăng vọt 3% so với USD, chỉ số Nikkei 225 trượt dài trong phiên. Các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu Nhật Bản do lo ngại đồng yen mạnh lên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty xuất khẩu. Đến cuối phiên, Nikkei 225 ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1987.

Ông Omori cho biết: “Diễn biến giao dịch phiên 5/8 vượt xa suy nghĩ của tôi. Chúng ta đang bước vào giai đoạn bí hiểm không thể lường trước. Chúng ta sẽ còn thấy những phiên giao dịch đỏ lửa khác”.  

 

Cuộc bán tháo lan ra các thị trường chứng khoán khác ở châu Á và châu Âu rồi đến Mỹ. Thậm chí, nó cũng xâm nhập vào thị trường tín dụng. Ít nhất hai công ty ​​đã hoãn các thỏa thuận đi vay trị giá tổng cộng 3,8 tỷ USD.

Đến chiều ngày 5/8 ở Mỹ, thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã bình tĩnh lại phần nào, Nasdaq Composite chỉ giảm 3,4% so với tham chiếu. Vào ngày 6/8, chỉ số Nikkei phục hồi 10%. Nhưng một số nhà đầu tư vẫn không dám khẳng định rằng đợt bán tháo này chỉ là một đợt báo động giả khác trên thị trường.

Ông Matt Maley, Giám đốc chiến lược thị trường tại Miller Tabak, cho biết: “Tôi vẫn chưa hết lo. Các nhà đầu tư vẫn quan ngại về lợi nhuận doanh nghiệp và nền kinh tế”.

Giang