|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ hồi hộp chờ số liệu lạm phát để dự đoán quyết định lãi suất của Fed

08:45 | 10/04/2023
Chia sẻ
Trong tuần này (10 – 15/4), báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ sẽ được công bố, giúp các nhà đầu tư trên Phố Wall trả lời một câu hỏi quan trọng: Thị trường đã dự đoán đúng đường đi ngắn hạn của lãi suất hay chưa?

Chủ tịch Fed điều trần trước Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Los Angeles Times)

Sau hàng loạt bất ổn trong hệ thống ngân hàng tháng 3 vừa qua, nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023 để ngăn ngừa suy thoái kinh tế nghiêm trọng. 

Theo Reuters, những dự đoán kiểu này đã đẩy lợi suất trái phiếu đi xuống, hỗ trợ các cổ phiếu công nghệ siêu lớn và cổ phiếu tăng trưởng có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số chứng khoán.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 6,9%, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite vượt trội với mức tăng 15,5%.

 

Tuy nhiên, lãi suất có khả năng sẽ duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2023 nếu các báo cáo lạm phát vào tuần tới cho thấy giá cả vẫn tăng nhanh bất chấp các nỗ lực thắt chặt tiền tệ mạnh tay của Fed suốt từ tháng 3/2022 đến nay.

Ngày 12/4, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đến ngày 13/4, báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố.

Reuters dẫn lời ông Tom Hainlin, chiến lược gia đầu tư tại U.S. Bank Wealth Management, nhận định: “Nếu CPI vẫn nóng, nhà đầu tư sẽ bắt đầu dự báo lãi suất gần với mức của Fed hơn và giá các loại tài sản sẽ chịu áp lực”.

U.S. Bank Wealth Management đang khuyến nghị khách hàng của mình giảm tỷ trọng cổ phiếu và dự báo rằng các đợt nâng lãi suất liên tục sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp.

Báo cáo việc làm tháng 3, được công bố vào ngày thứ Sáu vừa qua (7/4), có các dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn hoạt động mạnh mẽ, làm tăng khả năng Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 2 – 3/5.

 

Những kỳ vọng trái ngược

Những lo ngại về suy thoái đang tăng lên khi nhà đầu tư cho rằng các biến động lớn trong ngành ngân hàng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank sẽ làm cho tín dụng bị thắt chặt và gây tổn hại tới tăng trưởng.

Trên thị trường trái phiếu, chỉ báo suy thoái ưa thích của Fed rơi xuống mức thấp kỷ lục trong tuần trước, khiến những người cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ phải sớm cắt giảm lãi suất càng thêm tự tin.

Giao dịch trên thị trường tiền tệ tương lai cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược rằng Fed sẽ giảm lãi suất từ khoảng 4,75 – 5% hiện nay xuống còn khoảng 4,3% vào cuối năm. Tuy nhiên, dự phóng của các quan chức Fed cho thấy lãi suất phải đến năm 2024 mới bắt đầu giảm.

Các chiến lược gia tại LPL Research nhận định: “Các thị trường tài chính và Fed đang dự báo theo những hướng trái ngược nhau”.

Các dự đoán về khả năng Fed bớt thắt chặt chính sách tiền tệ đã hỗ trợ đắc lực cho nhóm cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng vì lợi nhuận tương lai của nhóm doanh nghiệp này bị chiết khấu ít hơn khi lãi suất giảm. Chỉ số phụ ngành công nghệ của S&P 500 đã tăng 6,7% kể từ đáy hôm 8/3, gấp hơn hai lần chỉ số chung trong cùng khoảng thời gian.

Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo CPI tháng 3 sẽ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6% trong tháng 2.

 

Nhà đầu tư cũng sẽ chờ đón các báo cáo kết quả kinh doanh quý I, khởi đầu là các ngân hàng khổng lồ JPMorgan Chase và Citigroup vào ngày 14/4. Các nhà phân tích dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp trong S&P 500 giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng Fed sẽ có hành động hỗ trợ nếu thị trường cổ phiếu suy giảm quá sâu, mặc dù ngân hàng trung ương Mỹ không có nghĩa vụ duy trì giá các loại tài sản tài chính.

“Nếu Fed muốn bảo vệ nhà đầu tư, thì có một cách làm là giảm lãi suất,” ông Mark Hackett, Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Nationwide, nhận xét. “Cho đến nay, Fed vẫn chưa giảm lãi suất để cứu nhà đầu tư, nhưng thị trường đang tin chắc là Fed sẽ làm vậy. Chưa rõ niềm tin này có đúng hay không”.

Tuy nhiên, một cuộc suy thoái sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu, kể cả khi Fed buộc phải giảm lãi suất sớm hơn.

Ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services, nhận định: “Thử nhìn lại giai đoạn 2001 và 2008, nhà đầu tư sẽ thấy chỉ riêng việc Fed thay đổi chính sách không phải lúc nào cũng đủ để ngăn nền kinh tế sa sút hoặc châm ngòi cho một thị trường giá tăng mới. Chúng tôi cho rằng thị trường hiện nay đang kỳ vọng vào rất nhiều giả định tích cực và chừa lại rất ít phạm vi sai số.

Đức Quyền - Song Ngọc