|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà bán khống từng cảnh báo về khủng hoảng năm 2008: Thảm họa tài chính đang hình thành trên thị trường nhà ở Mỹ

08:22 | 07/04/2023
Chia sẻ
Một nhà đầu tư “Big Short” từng nhận ra thị trường nhà đất Mỹ đang trên bờ vực sụp đổ vào năm 2008 gần đây đã cảnh báo về một thảm họa mới.

Thảm họa âm thầm hình thành

Hơn một thập kỷ sau khi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp ở Mỹ đe doạ phá huỷ hệ thống tài chính quốc tế, một nhà đầu tư “Big Short” đã lần nữa nhìn thấy thảm họa đang âm thầm xuất hiện trên thị trường bất động sản.

Ông Dave Burt, CEO của công ty nghiên cứu đầu tư DeltaTerra Capital, là một trong số ít những người nhận ra thị trường nhà đất Mỹ đang trên bờ vực sụp đổ vào năm 2007, theo CNBC.

Ông đã giúp hai nhân vật chính trong cuốn sách bán chạy nhất của Michael Lewis “The Big Short” đặt cược chống lại thị trường cho vay thế chấp mua nhà trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuối cùng, ông Burt và các khách hàng đã đúng. Nhờ đó, họ đã kiếm được hàng triệu USD.

Bây giờ, ông tin rằng một rủi ro về khí hậu đang bị nhà đầu tư bỏ qua có thể khiến lịch sử lặp lại. “Tôi luôn đề phòng những vấn đề lớn mang tính hệ thống này và có một số lý do để lo ngại”, ông chia sẻ với CNBC.

Vị CEO cho biết nghiên cứu của DeltaTerra Capital cho thấy 20% nhà ở tại Mỹ đang gặp “rủi ro đáng kể” do bị định giá sai vì vấn đề lũ lụt. Nếu rủi ro biến thành sự thật, ông cảnh báo hậu quả có thể giống với sự điều chỉnh bất thường đã thấy trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

“Chúng tôi cho rằng thiệt hại mà vấn đề định giá sai này gây ra có thể tương đương 1/4 quy mô và mức độ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng tất nhiên, thiệt hại sẽ vô cùng lớn đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng”, ông Burt cho hay.

Bình luận của ông Burt xuất hiện tại thời điểm thị trường nhà ở Mỹ đang trải qua một thay đổi lớn do lãi suất cho vay thế chấp tăng cao hơn và các ngân hàng trung ương vẫn đang miệt mài tăng lãi suất để chống lạm phát.

CEO của DeltaTerra Capital nói một vài vết rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong các điều khoản về chi phí bảo hiểm nhà ở. Ông lưu ý rằng quá trình phục hồi nhà ở ở Florida sau bão Ian là một khía cạnh mình đang theo dõi sát sao.

“Liệu chúng ta có rơi xuống vực thẳm trong năm nay hay không? Tôi không chắc”, ông Burt nói. “Nhưng quan sát dữ liệu tần suất cao nhất về doanh số bán nhà và hàng tồn kho cho thấy những bất động sản gặp rủi ro này rõ ràng đang lao đao”.

Nhà cửa ngập nước do bão Ian, năm 2022. (Ảnh: Reuters).

Thị trường nhà ở Mỹ được định giá quá cao?

Trong khi hầu hết nhà đầu tư vẫn hoài nghi về tác động của rủi ro khí hậu lên danh mục, một nghiên cứu gần đây cảnh báo rằng thị trường nhà ở Mỹ có thể đang bị định giá cao hơn thực tế khoảng 200 tỷ USD do các rủi ro về lũ lụt chưa được đưa vào phân tích.

Nghiên cứu này được công bố hồi giữa tháng 2 trên tạp chí Nature Climate Change, các tác giả bao gồm Quỹ Bảo vệ Môi trường, Quỹ First Street và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nghiên cứu đã mô hình hoá những thay đổi về rủi ro lũ lụt trên khắp nước Mỹ trong ba thập kỷ tới theo các cấp độ bất động sản khác nhau và cảnh báo rằng các hộ gia đình có thu nhập thấp đặc biệt dễ bị tổn thương khi giá trị nhà ở suy giảm.

“Lý do lớn nhất khiến chúng tôi quan ngại là rủi ro khí hậu không được định giá vào thị trường nhà đất”, ông Jeremy Porter, trưởng bộ phận phân tích tác động khí hậu tại Quỹ First Street, nhấn mạnh.

Ông Porter cảnh báo rằng khi mọi người tiếp tục thiếu thông tin đầy đủ về rủi ro khí hậu khi mua nhà, nguy cơ vẫn đeo bám thị trường. Các hộ gia đình có thể mất một phần đáng kể giá trị bất động sản chỉ qua một đêm. “Không quá cường điệu khi nói rằng thị trường đã đạt đến điểm bước ngoặt”, vị chuyên gia bày tỏ.

Hiện tại, nghiên cứu chỉ ra rằng gần 15 triệu bất động sản ở Mỹ đang phải đối mặt với rủi ro hứng chịu lũ lụt hàng năm khoảng 1%. Thiệt hại mỗi năm đối với bất động sản dân cư được dự đoán sẽ vượt mức 32 tỷ USD.

Nghiên cứu cũng cho biết rằng tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt sẽ ngày càng gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang xấu đi nhanh chóng. Điều này có thể khiến số lượng bất động sản gặp rủi ro tăng 11% và thiệt hại trung bình hàng năm tăng ít nhất 26% vào năm 2050.

 

Ông Burt của DeltaTerra Capital nhấn mạnh rằng rủi ro khí hậu gắn với thị trường nhà ở Mỹ cũng là một vấn đề lớn đối với nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

“...những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất cũng là những nước nghèo khó nhất”, ông cho hay. “Nếu nhìn theo lăng kính toàn cầu, đây giống như một cuộc khủng hoảng nhân đạo hơn”.

Munich Re, công ty tái bảo hiểm (reinsurance) lớn nhất thế giới, đã chứng kiến những thiệt hại kinh tế nặng nề vào năm ngoái khi khủng hoảng khí hậu gây ra nhiều sự kiện thời tiết cực đoan, chẳng hạn như bão Ian ở Mỹ và lũ lụt tại Pakistan.

Ước tính thiệt hại đã lên tới 270 tỷ USD vào năm 2022, trong đó khoảng 120 tỷ USD đã được bảo hiểm.

Ông Ernst Rauch, nhà khoa học địa lý và khí hậu cấp cao tại Munich Re, nói với CNBC: “Cuối cùng, ai đó sẽ phải chi trả cho những tổn thất ngày càng lớn này. Cho dù thị trường bất động sản có được bảo hiểm hay không, nó vẫn là một gánh nặng kinh tế ngày càng nặng nề”.

 

 

Khả Nhân

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.