|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên đầu tuần, Dow Jones vẫn có tháng tăng mạnh nhất 46 năm

07:17 | 01/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 31/10 đi xuống trên diện rộng. Tuy nhiên khi xét chung cả tháng 10, Dow Jones vẫn ghi nhận tháng tích cực nhất kể từ 1976. Đây cũng là tháng tăng điểm đầu tiên của các chỉ số sau hai tháng giảm liên tục.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng điểm trong tháng 10.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 129 điểm, tương đương 0,39%, và kết phiên ở 32.733 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite giảm sâu hơn khi mất lần lượt 0,75% và 1,03%.

Tính chung cả tháng 10 vừa qua, các chỉ số đều hồi phục mạnh mẽ. Dow Jones dẫn đầu khi vọt lên 13,94%, đánh dấu tháng tích cực nhất kể từ năm 1976 nhờ việc nhà đầu tư tin tưởng các doanh nghiệp truyền thống như ngân hàng sẽ dẫn dắt đợt tăng mạnh mạnh tiếp theo của thị trường.

S&P 500 đi lên 8% trong tháng qua. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đi lên ít nhất với tỷ lệ 3,9% do nhiều cổ phiếu lớn như Meta và Microsoft sa sút.

Sau hai tháng giảm liên tiếp, Dow Jones tăng gần 14% trong tháng 10/2022, ghi nhận tháng tươi sáng nhất kể từ 1976.

CNBC dẫn lời ông Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại Carson Group, nhận định: “Thị trường đang tạm nghỉ ngơi sau khi tăng nóng vào tuần trước. Cuộc họp Fed với quyết định lãi suất quan trọng sẽ diễn ra vào thứ Tư (3/11) nên việc thị trường tạm nghỉ lại càng hợp lý”.

Thị trường tháng 10 đi lên mạnh mẽ dù kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp không được như mong đợi, như thể hiện qua diễn biến của một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Meta Platforms (sở hữu mạng xã hội Facebook) và Amazon. Trong phiên đầu tuần 31/10, hai cổ phiếu này đi xuống lần lượt khoảng 6% và 1%.

Các cổ phiếu công nghệ khác gồm Microsoft và Alphabet cũng giảm tương ứng 1,6% và 1,9%. Biểu đồ bên dưới cho thấy cổ phiếu viễn thông và công nghệ là những nhóm giảm sâu nhất thị trường ngày cuối tháng 10. Trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, chỉ một nhóm đóng cửa với sắc xanh.

Cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất đi lên trong phiên 31/10.

Nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho cuộc họp thường kỳ của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư (1-2/11) tuần này. Thị trường tài chính dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) lần thứ 4 liên tiếp.

Một số nhà đầu tư mong đợi rằng trong cuộc họp báo chiều 3/11, Chủ tịch Jerome Powell sẽ đưa ra tín hiệu về việc Fed sẽ sớm dừng hoặc ít nhất là giảm nhịp độ nâng lãi suất trong tương lai gần.

CNBC dẫn lời bà Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược cổ phiếu của LPL Financial, nhận xét: “Thông điệp của Fed vào ngày 2/11 sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho với kỳ vọng của thị trường trong thời gian tới. Trong phần hỏi đáp với báo giới, Chủ tịch Powell sẽ phải cân nhắc kỹ câu trả lời của mình như thể đang đi trên một sợi dây tiền tệ”.

Nguy cơ Fed thắt chặt thái quá

Các nhà phân tích tại BlackRock – công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới – cho rằng thị trường tháng 10 tăng điểm dựa trên niềm hy vọng rằng quá trình thắt chặt tiền tệ đang kết thúc. Theo BlackRock, dự đoán này vẫn còn quá sớm.

Ông Jean Boivin, Giám đốc Viện Đầu tư BlackRock, nhận định: “Chúng tôi thấy rằng các ngân hàng trung ương đang đi trên con đường thắt chặt quá mức. Chúng tôi nghĩ rằng Fed cũng như ngân hàng trung ương ở các quốc gia phát triển khác sẽ chỉ dừng lại khi có bằng chứng rõ ràng về những thiệt hại nghiêm trọng mà quá trình nâng lãi suất gây ra”.

BlackRock cho rằng lãi suất đã chạm đến mức có thể gây ra suy thoái. Vì vậy, tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ này vẫn giảm tỷ trọng cổ phiếu và trái phiếu chính phủ xuống thấp.

“Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương giảm xuống sẽ tạo áp lực bán đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài và có nguy cơ gây tai họa cho thị trường”, ông Boivin nói thêm.

Tổng tài sản của Fed đã giảm khoảng 200 tỷ USD so với đỉnh hồi tháng 4.

Tại châu Âu, số liệu mới được công bố sáng 31/10 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của khu vực euro zone tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục của nhóm 19 quốc gia này. Giá lương thực và năng lượng đều đi lên mạnh.

Ước tính sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Italy là 12,8% còn của Đức là 11,6%. Ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania ghi nhận lạm phát trên 20%.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của euro zone trong quý III chỉ tăng 0,2%, thấp hơn đáng kể so với mức 0,8% trong quý II.

Hôm 27/10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất thêm 75 bps trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro tiếp tục leo lên đỉnh lịch sử.

Đức Quyền