Nhà đầu tư khủng hoảng tâm lý khi chứng khoán Mỹ cắm đầu giảm
Một số người giỏi tranh thủ cơ hội tỏ ra rất vui mừng khi tình hình bất lợi xảy ra, nhưng các chuyên gia cho rằng với đa số nhà đầu tư, các thông tin tiêu cực liên tiếp đang gây tổn hại lớn cho sức khỏe tâm thần.
Theo Reuters, một số nhánh tương đối mới trong lĩnh vực tâm lý học và kinh tế học đang nghiên cứu hành vi của nhà đầu tư, tâm lý bầy đàn, sự hoảng loạn, hưng phấn và những thiên kiến có khả năng ảnh hưởng tới việc ra quyết định và gây hại tới hiệu suất của danh mục đầu tư.
Nhiều giải Nobel kinh tế đã được trao cho một số người tiên phong trong lĩnh vực tài chính hành vi trong những thập kỷ gần đây, chẳng hạn như Richard Thaler (năm 2017), Robert J. Shiller (năm 2013), Daniel Kahneman và Vernon Smith (năm 2002), …
Lĩnh vực y học cũng có những nhân vật nổi bật liên quan tới tâm lý nhà đầu tư. Bác sỹ John Schott là một nhà quản lý danh mục tại The Colony Group, đồng thời là một nhà tâm thần học đã về hưu, một chuyên gia nổi tiếng về tâm lý thị trường. Trong cuốn sách xuất bản năm 1998 với tựa đề “Tâm trí đứng trên tiền bạc”, bác sỹ Schott đã sử dụng cụm từ “Hội chứng Trầm cảm vì Thị trường Gấu” (BMDS).
Trong một bài báo đăng tải ở Hiệp hội Phân tích Tâm lý Mỹ, bác sỹ Schott liệt kê hàng loạt triệu chứng của Hội chứng Trầm cảm vì Thị trường Gấu, bao gồm: buồn rầu, ngủ không say giấc, giảm tập trung, hay cáu gắt, cảm giác tội lỗi, chán nản, vấn đề về dạ dày – đường ruột, và đau đầu.
Làm gì có ai chưa từng trải qua một vài triệu chứng kể trên trong thời gian căng thẳng cực độ?
Để giữ cho đầu óc của các nhà giao dịch (trader) trong trạng thái ổn định, một số quỹ đầu cơ lớn đã thuê riêng các bác sỹ tâm thần và huấn luyện viên về tâm lý, tương tự như nhân vật Wendy Rhoades trong chương trình truyền hình Billions.
Trả lời phỏng phấn Reuters, bác sỹ Schott cho biết các công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học hành vi Vernon Smith (người giành giải Nobel năm 2002) đã cho thấy các bong bóng thị trường được hình thành chủ yếu do các yếu tố tâm lý chứ không phải tài chính. Sau giai đoạn tăng giá kéo dài, nhà đầu tư có xu hướng phủ nhận sự tồn tại của thị trường giá xuống (hay còn gọi là thị trường gấu).
“Từ góc độ tâm lý học, một phần của xu hướng phủ nhận thị trường gấu là chính là cơ chế phòng thủ chống lại trầm cảm”, ông Schott, người có 38 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích tâm lý, nói.
“Tại sao tôi lại mua? Tại sao tôi không bán? Nhà đầu tư thường tự đổ lỗi cho mình thay vì chấp nhận thực tế rằng thị trường có lên có xuống”, bác sỹ Schott nói.
Vào giữa tháng 10, chỉ số S&P 500 thấp hơn 25% so với đầu năm 2022. Sau một số phiên hồi phục, tính đến hết ngày 26/10, S&P 500 thu hẹp đà giảm còn gần 20%.
Đà lao dốc của thị trường chứng khoán trong những tháng qua trái ngược hoàn toàn với tâm trạng hưng phấn một năm trước, khi các chỉ số chứng khoán liên tục đi lên và cuối cùng lập đỉnh mọi thời đại vào tháng 1/2022.
Đối với những nhà đầu tư trẻ chưa từng trải qua các đợt giảm điểm kéo dài, chiến thuật mua bắt đáy của thập kỷ vừa qua không còn phát huy tác dụng. Bác sỹ John Schott cho rằng các nhà đầu tư trẻ này có thể đang gặp phải tình trạng “bất hòa về nhận thức”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ông Putin giám sát tập trận hạt nhân, Mỹ đưa quân đến sát biên giới Ukraine 27/10/2022 - 16:07
Số lượng nhân tố rủi ro mà nhà đầu tư cần chú ý xem xét hiện nay là nhiều chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II: Xung đột Nga – Ukraine, lạm phát cao nhất 40 năm ở hàng loạt quốc gia, lãi suất tăng mạnh, kinh tế giảm tốc, nguy cơ chiến tranh nổ ra ở đảo Đài Loan, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và những tuyên bố gây chia rẽ không ngừng từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một cuộc khảo sát hàng tuần của Hiệp hội Nhà đầu tư Cá nhân Mỹ cho thấy tỷ lệ số nhà đầu tư dự báo giá lên so với dự báo giá xuống đang là -33,8%, một trong những mức tiêu cực nhất trong lịch sử 35 năm của cuộc khảo sát.
Goldman Sachs cho biết Chỉ báo Tâm lý của ngân hàng này trong tuần cuối cùng của tháng 9 đã ghi nhận giá trị âm tuần thứ 31 liên tiếp, chỉ còn kém chuỗi âm 32 tuần liên tục kết thúc vào tháng 3/2016.
Ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Leuthold Group, cho biết “tâm trạng buồn bã” đã lan rộng vượt xa giới đầu tư ở Phố Wall. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng đang ở vùng thấp nhất sau chiến tranh và tâm lý của các doanh nghiệp nhỏ cũng sa sút.
“Theo tôi nhớ thì đây là lần có nhiều CEO nhất cảnh báo về suy thoái đang đến gần trước khi suy thoái xảy ra. Các câu truyện trên truyền thông càng khiến nỗi lo sợ lan rộng. Đây không phải là lỗi của truyền thông, chỉ là có quá nhiều thông tin đáng đăng tải”, ông Paulsen viết trong một bức thư gửi khách hàng.
Tình thế hiện nay có thể được coi là “quá tải thông tin” khi các tin tức được khuếch đại 24/7 trên khắp các mạng xã hội. Bà Seema Shah, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại Principal Asset Management, gọi tình trạng này là “căn phòng đầy những tiếng vang tiêu cực”.
“Một trong những điểm khác biết giữa thời điểm hiện nay với các đợt lao dốc trước kia là sự thịnh hành của mạng xã hội. Dòng tin tức, các thông tin tiêu cực và quan điểm cá nhân được phát tán rất nhanh”, bà Seema Shah nói với Reuters. “Sự lan truyền thông tin này khiến cho thị trường biến động nhanh hơn so với các giai đoạn suy giảm trước kia”.
Tuy nhiên mọi người cũng thường nói: “Trời tối nhất là vào lúc ngay trước bình minh”. Tâm lý bi quan cực độ cho thấy thị trường đã dần hết người bán và đó là tín hiệu giá sắp tăng lên.
“Thị trường gấu thường không kết thúc khi xuất hiện tin tốt. Giá ngừng giảm khi các tin tức tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, khi có vẻ như thị trường chắc chắn không thể sớm hồi phục được”, theo ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Leuthold Group.