Dự báo tiền lương thực tế ở Việt Nam tăng nhanh thứ hai thế giới năm 2023
Tiền lương thực tế là tiền lương đã được điều chỉnh theo tốc độ tăng của giá cả. Theo Bloomberg, lạm phát tăng cao có thể gây ra sự sụt giảm lớn về tiền lương thực tế vào năm 2023. Một cuộc khảo sát của ECA International cho thấy chỉ 37% quốc gia trên toàn cầu kỳ vọng tiền lương thực tế sẽ tăng.
Trong danh sách này, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiền lương thực tế cao nhất, bất chấp mức lạm phát được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khoảng 3,9% vào năm 2023.
Khu vực có tiền lương chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất sẽ là châu Âu. Tăng trưởng tiền lương thực tế (thay đổi tiền lương danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát) tại châu lục già sẽ sụt giảm trung bình khoảng 1,5%.
Người lao động tại Anh đã chịu thiệt thòi nhiều nhất trong năm 2022. Trên danh nghĩa, tiền lương của quốc gia này đã tăng 3,5%, còn thực tế lại giảm 5,6% do lạm phát lên tới 9,1%. Dự kiến vào năm 2023, lương thực tế của người lao động Anh sẽ lại sụt giảm thêm 4% nữa.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ, khi tiền lương thực tế được kỳ vọng sẽ giảm 4,5% vào năm nay do lạm phát kỷ lục. Tới năm 2023, nhờ những yếu tố như sức mạnh đồng dollar, chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự độc lập tương đối về nguồn năng lượng sẽ đẩy lạm phát về mức 3,5%. Kết quả là lương thực tế sẽ tăng thêm 1% vào năm sau.
Các nước châu Á chiếm 8 trong số 10 quốc gia dự kiến có mức tăng tiền lương nhanh nhất thế giới. Dẫn đầu là Ấn Độ (4,6%), Việt Nam (4%), Trung Quốc (3,8%). Brazil (3,4%) và Arab Saudi (2,3%) chiếm hai vị trí còn lại trong top 5.
Tốc độ tăng lương thực tế trên toàn châu Á dự kiến vào khoảng 1,3% trong năm 2023, so với chỉ khoảng 0,3% của năm 2021. Để so sánh, tiền lương thực tế của người lao động toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,5% vào năm sau.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan được kỳ vọng có tốc độ tăng tiền lương thực tế vào năm 2023 cao hơn so với 2022 khi quá trình phục hồi sau đại dịch tiếp tục và lạm phát giảm.
Giám đốc khu vực châu Á của ECA International, ông Lee Quane cho biết: “Nhìn chung, người lao động tại nhiều nước ASEAN sẽ chứng kiến tiền lương thực tế tăng trong cả năm 2022 và 2023”.
“Những người lao động tại Việt Nam hưởng lợi từ tốc độ tăng lương thực tế cao thứ hai trong khu vực vào năm 2022 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2023”, ông nói thêm.
“Người lao động tại Malaysia và Indonesia cũng sẽ hưởng lợi từ tốc độ tăng lương ổn định. Tuy nhiên, tiền lương thực tế của lao động tại Lào và Myanmar, vốn đang chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề kinh tế và chính trị, sẽ giảm trong cả 2022 và 2023”.
Ông Lee Quane nói: “Khảo sát của chúng tôi chỉ ra rằng 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn cho người lao động. Chỉ 1/3 quốc gia được khảo sát dự kiến tiền lương thực tế sẽ tăng. Dù vậy, tình hình vẫn khả quan hơn mức 22% vào năm nay”. Theo ECA, tiền lương thực tế trên toàn cầu đã giảm 3,8% vào năm 2022.