ĐBQH: Nên áp dụng tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng ngay từ 1/1/2023
Thảo luận tại Tổ 6, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm, việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2023.
Ông Tuấn cho rằng sau khi Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 giờ đã đến lúc các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước cần được quan tâm xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài ra, hiện nay lực lượng công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc nhất là công chức, viên chức ngành y tế. Do vậy việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực hiện nay.
Một lý do khác nữa được đại biểu này đưa ra là lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất vào 1/7/2019, nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào 1/7/2023 như Tờ trình của Chính phủ thì phải sau 4 năm lương công chức, viên chức mới tăng được 20,8%. Trong khi đó các chỉ số tiêu dùng tăng qua các năm bình quân là 11,8%;…
Đại biểu tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, theo thống kê đã có gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư. Trong đó, nguyên nhân chính là do mức lương không đủ sống.
Vì vậy, đại biểu cho rằng để kéo dãn chênh lệch mức lương giữa khu vực công và tư, góp phần ngăn chặn sự dịch chuyển này cần quan tâm kịp thời đến các chế độ đãi ngộ, trong đó có việc điều chỉnh lương cơ sở.
Cùng chung quan điểm này, các đại biểu tổ 10 (gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai) cũng đề nghị, Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ 1/1/2023, nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 7, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc đưa nội dung về điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý; tạo ra động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức cũng giảm bớt hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế và giáo dục.
Trong đó, số lượng công chức, viên chức thôi việc chủ yếu rơi vào 6 tháng cuối năm của năm 2021 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm của năm 2022.
Số lượng cán bộ công chức viên chức nghỉ việc trọng tâm, trọng điểm ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và đặc biệt là những nơi có số lượng doanh nghiệp lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất của các địa phương,
Về nguyên nhân, bà Trà nêu rõ, do yếu tố khách quan, tác động của đại dịch COVID -19 đã tác động trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, chi phối, tác động đến cả đội ngũ cán bộ, đặc biệt là công chức, viên chức, nhất là viên chức phải chịu áp lực rất lớn về công việc. Áp lực này rất nặng nề, đặc biệt đối với nhân viên y tế, giáo dục.
Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH cũng được đưa ra để áp dụng cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.