|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng là rất hợp lý, năm 2024 có thể cải cách tiền lương

14:51 | 22/10/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc. Nếu điều kiện tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định thì năm 2024 có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương.

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội, sáng 22/10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính từ ngày 1/1/2020 và đến 30/6/2022, số cán bộ, công chức, viên chức của nghỉ việc và thôi việc là 39.552 (chiếm 1,94%), trong đó viên chức chiếm đa số, còn công chức chỉ chiếm 1,63%.  

Công chức, viên chức thôi việc chủ yếu ở lĩnh vực y tế

Trong hơn 2 năm qua, khối giáo dục có 16.427 người xin thôi việc (chiếm 41,53%), trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm khoảng 60%. Đối với lĩnh vực y tế, có 12.198 người (chiếm 30,84%); độ tuổi từ 40 trở xuống là 74,72%, đại học trở lên là 65,27%.

Theo Bộ trưởng, con số thôi việc trong 2,5 năm chủ yếu rơi vào 6 cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Khái quát nguyên nhân của thực trạng này, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, đầu tiên là do yếu tố khách quan, đại dịch COVID-19 tác động trên mọi mặt của đời sống xã hội, chi phối tất cả và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là viên chức phải chịu áp lực rất lớn trong công việc. 

Áp lực này rất nặng nề, đặc biệt đối với nhân viên y tế, trong một bối cảnh cực kỳ nguy hiểm và vô cùng rủi ro của dịch bệnh. Thêm vào đó, đời sống chế độ, các chính sách hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế chưa đáp ứng được mong muốn. 

Tăng lương cơ bản lên 1,8 triệu đồng là rất phù hợp

Về vấn đề tăng lương cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. 

Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định.

Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, song 3 năm vừa qua (2019-2021), đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lên nền kinh tế nên chưa thực hiện được tăng lương cơ sở. 

Mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhấp so với mức lương đang hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất khoảng trên 40%.

Với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, bà Phạm Thị Thanh Trà đánh giá là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc. 

"Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế-xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi cách yếu tố khách quan như năm 2020-2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Hạ An

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.