|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mừng, lo sau tăng lương

11:38 | 08/07/2024
Chia sẻ
Lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7 khiến doanh nghiệp lo chi phí cao, giảm cạnh tranh, trong khi người lao động mừng vì có thêm khoản bù đắp cho sinh hoạt.

Hơn 3.200 lao động của Việt Thắng Jean, một doanh nghiệp trong ngành dệt may, sẽ được điều chỉnh lương trong tháng tới, theo Nghị định 74 của Chính phủ. Dù chưa có con số điều chỉnh cụ thể, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Thắng Jean, nhận định việc này sẽ tạo thêm một khoản chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp.

"Chúng tôi đối mặt với tình thế khó chồng khó", ông Việt nói, thừa nhận doanh nghiệp cũng không thể không tăng lương cho người lao động, dù kinh doanh đang gặp nhiều thách thức.

Theo Nghị định 73, từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng một tháng. Còn lương tối thiểu vùng doanh nghiệp, theo Nghị định 74, người lao động có thêm 200.000 – 280.000 đồng mỗi tháng (tùy khu vực), tương đương tăng 6%. Sau điều chỉnh, lao động tại hai thành phố là TP HCM và Hà Nội sẽ có mức lương tối thiểu 4,96 triệu đồng (khoảng 193 USD một tháng), tăng xấp xỉ 80% so với thập kỷ trước.

Giai đoạn 2008-2019, khoản này được điều chỉnh đều qua các năm, bình quân 120.000-650.000 đồng. Mức tăng lần này chỉ 6%, song với các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ hay thủy sản... điều chỉnh lương tạo áp lực đáng kể với chủ doanh nghiệp.

Công nhân làm việc tại một công ty may ở Đà Nẵng, tháng 6/2024 (Ảnh:Nguyễn Đông).

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có gần 65.000 lao động làm việc tại các nhà máy, công ty trực thuộc, với mức thu nhập bình quân khoảng 9,5 triệu đồng một tháng. Ông Cao Hữu Hiếu, CEO Vinatex cho biết các doanh nghiệp dệt may đang "dễ thở" hơn khi đơn hàng không còn quá khó như năm trước, song giá đơn hàng chưa hồi phục như thời điểm trước dịch Covid-19. Lương tối thiểu điều chỉnh từ 1/7 khiến họ đối diện tăng chi phí.

"Lương tăng nên bắt buộc doanh nghiệp phải có giá tăng. Vì thế, đàm phán đơn hàng cho quý IV năm nay chúng tôi chủ yếu muốn nâng giá với nhà mua khi đã giảm 20-50% tùy mã hàng trong hai năm qua, để bù đắp phần chi lương cho lao động", ông Hiếu nói.

Tương tự, Chủ tịch Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho hay nửa đầu năm nay doanh thu cải thiện hơn, song chi phí logistics tăng gấp đôi, dòng tiền về chậm, công ty không có lãi, thậm chí lỗ. "Công ty phải tái cấu trúc liên tục, cắt giảm các khoản đầu tư không hiệu quả và đổi mới công nghệ để tăng năng suất", ông Việt nói, thêm rằng nếu chi phí và tiền lương tiếp tục tăng, họ có thể phải tính tới biện pháp cuối cùng là giảm lao động.

Nhiều ông chủ doanh nghiệp còn lo ngại việc nâng lương sẽ khiến các phí bảo hiểm xã hội, công đoàn tăng lên. Các khoản này sau đó được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm cạnh tranh.

Song, không phải tất cả doanh nghiệp đều phải điều chỉnh theo quy định mới. Chính phủ quy định doanh nghiệp đang trả lương cho lao động cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu thì duy trì như hiện tại. Chỉ khoảng 10% người lao động tại Secoin (doanh nghiệp chuyên về vật liệu xây dựng sở hữu 9 nhà máy trên toàn quốc) được điều chỉnh lương đợt này. Bởi lương bình quân người lao động tại đây trên 10 triệu đồng một tháng, tức gấp hơn hai lần mức tối thiểu. Với lý do tương tự, khoảng 5% lao động tại Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt được tăng lương từ 1/7, theo CEO Trương Chí Thiện.

Dù vậy, theo ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Secoin, họ cũng đang xoay sở trước tình hình kinh doanh giảm sút do ảnh hưởng của Covid-19 suốt 5 năm qua. Doanh thu nửa đầu năm của công ty sụt 10-15% so với cùng kỳ. Ông Kỳ ước tính năm nay công ty khó có lãi. Nhiều doanh nghiệp cùng ngành thậm chí lỗ do bị bủa vây bởi các chi phí đầu vào như nhân công, nguyên liệu và bảo hiểm tăng cao.

Ngược với tâm trạng của giới chủ, người lao động mừng trước thông tin tăng lương. Chị Lan Hương, công nhân công ty may tại Khu công nghiệp ở Phố Nối (Hưng Yên) cho biết, lương cơ bản hàng tháng gần 4,7 triệu đồng, chưa gồm các khoản phụ cấp như chuyên cần 500.000 đồng, đi lại 300.000 đồng. Tổng thu nhập chị Hương nhận mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng.

Lương tối thiểu điều chỉnh 6% so với hiện hành, dự kiến lao động như chị Hương sẽ được thêm 410.000 - 550.000 đồng một tháng, tùy địa phương. Mức tăng dù ít, chị Hương nói cũng giúp chị có thêm khoản bù đắp chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Theo giới phân tích, điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ là động lực để người lao động tăng năng suất, cạnh tranh. TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho rằng lao động đi làm đều quan tâm tới lương, nhất là người thu nhập thấp. "Họ muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi thu nhập thấp", bà nói, thêm rằng điều này giải thích tại sao tỷ lệ "nhảy việc" cao, 8-12% mỗi tháng ở các ngành thâm dụng lao động.

Lương tối thiểu thỏa đáng sẽ giúp họ trang trải chi phí đời sống. Ngoài ra, họ còn cần một khoản dự phòng cho phát sinh trong cuộc sống và tiết kiệm cho tương lai. "Điều chỉnh thu nhập là yếu tố để lao động gỡ bỏ nhiều mối lo, chuyên tâm vào chuyên môn", bà nói.

Cùng quan điểm, theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế trung ương, đây còn là yếu tố tạo sức ép để doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Người lao động khi đó có động lực nâng cao trình độ tay nghề, nếu không muốn mất việc, thu nhập thấp.

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở TP HCM, tháng 6/2023 (Ảnh: Quỳnh Trần).

Tuy vậy, điều người lao động lo ngại là tình trạng giá cả tiêu dùng tăng theo lương. Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), trước đây, giá thường tăng khi lương điều chỉnh, thậm chí "nhảy" ngay khi có chủ trương thay đổi chính sách.

Những năm gần đây, Chính phủ, bộ ngành đưa ra nhiều giải pháp thích ứng, nên mức độ tác động tới thị trường, người dân được giảm bớt. "Tăng lương ít xảy ra chuyện giá leo thang, mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát", bà nhận xét.

Vụ trưởng Thống kê giá phân tích thực tế từ năm 2009, lương cơ sở tăng khoảng 280%, tối thiểu vùng thêm khoảng 480%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ điều chỉnh 108%. Tức là, sau 15 năm, tốc độ điều chỉnh lương cao hơn nhiều so với CPI.

Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan thống kê đánh giá, đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vẫn nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay, 4 - 4,5%. Dù vậy, đại diện cơ quan thống kế thừa nhận, hiện tượng "té nước theo mưa" khi lương tăng vẫn xảy ra.

Để tránh tình trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cơ quan quản lý (quản lý thị trường, chính quyền địa phương) cần rà soát đầu ra - vào các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo mức tăng phù hợp, niêm yết giá. Với những mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục, ông Thịnh đề xuất nhà chức trách phải tính toán mức tăng phù hợp, có thời gian giãn cách, không tạo ra những cú sốc về giá.

Phương Dung - Thi Hà