|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lương cơ sở tăng 280%, CPI mới tăng 108%, Tổng cục Thống kê nói 'tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá'

10:52 | 30/06/2024
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về lo ngại giá cả tăng theo khi tăng lương gây nguy cơ lạm phát tại cuộc họp báo Tổng cục thống kê quý II, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá cho biết, tính từ năm 2009 đến ngày 1/7 năm nay, mức lương cơ sở tăng khoảng 280%.

Lương cơ sở tăng 280%, CPI mới tăng 108%

"Lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 108%. Như vậy, sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng CPI", bà Oanh nói.

Theo bà, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động. Việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung - cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả.

“Trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát”, bà Oanh nhận định.

Dù vậy,Vụ trưởng Vụ thống kê giá cho biết cũng có mốt số hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng vẫn xảy ra.

Liên quan đến vấn đề này trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương ngày 26/6, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng lương phải có các biện pháp đi kèm để kiểm soát lạm phát.

Nhắc lại quá trình 20 năm gần đây, có 14 năm Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở. Tuy rằng, phần lớn các năm này đều kiểm soát tốt được lạm phát, thậm chí còn có nhiều năm lạm phát giảm như: Năm 2005, khi tăng lương cơ sở 20,7% thì lạm phát giảm từ 8,5% xuống 8,4%; Năm 2006, khi tăng lương cơ sở 28,57% thì lạm phát giảm từ 7,5 xuống 6,3%; Năm 2012, tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống còn 9,2%; Năm 2016, tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7% và năm 2023, tăng lương cơ sở 20,8% thì lạm phát giảm còn 3,25%.

Tuy nhiên, đại biểu nhắc đến có hai lần tăng lương cơ sở, đúng vào năm lạm phát thế giới tăng cao và giá dầu thế giới tăng, cộng với tỷ giá trong nước tăng khiến lạm phát tăng mạnh. Đó là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23% và năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%.

Kiểm soát lạm phát như thế nào?

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá. (Ảnh: GSO).

Với năm nay, bà Oanh cho rằng lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát và ở ngưỡng mục tiêu là 4 - 4,5%. Sau 6 tháng, tốc độ tăng CPI đạt 4,08%, phù hợp cho phát triển kinh tế. Dư địa còn lại trong 6 tháng cuối năm, CPI có thể tăng tới 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là cơ hội để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý theo mục tiêu của Quốc hội. Trong thời gian tới cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ cho lạm phát. Thứ nhất là, lạm phát toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm nguy cơ nhập khẩu lạm phát.

Thứ hai là, các chính sách giảm thuế, giảm tiền sử dụng đất trong 6 tháng cuối năm cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất cũng như giảm giá hàng hoá dịch vụ của người dân. Thứ ba là bối cảnh hiện nay, an ninh lương thực đang là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu nhưng với lợi thế và sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng. 

Mặc dù, dư địa để điều hành lạm phát khá rộng nhưng cũng không nên chủ quan, bởi tình hình thế giới biến động rất phức tạp nên phải theo dõi sát tình hình thế giới, cảnh báo các nguy cơ gây lạm phát với thị trường trong nước.

Để kiểm soát lạm phát, theo bà Oanh các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Về phía doanh nghiệp, theo bà Oanh, cần kêu gọi các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.

Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo hàng hoá, thông suốt, ứng phó kịp thời nhu cầu của người dân.

"Đồng thời giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện sinh hoạt cần tránh điều chỉnh cùng thời điểm tăng lương 1-7, giá điện tránh điều chỉnh vào mùa nắng nóng bởi dễ gây lạm phát kỳ vọng, kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo”, bà Oanh cho hay.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh đề xuất Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ, chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và giữ ổn định tỷ giá.

Cũng như phải điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh phải giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 01/7 và chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung hàng hóa.

Đồng thời, phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh các vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

 

Hạ An