|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giữ tỷ giá khi Fed hoãn hạ lãi suất: Cẩn trọng lạm phát

15:51 | 18/06/2024
Chia sẻ
Chuyên gia Phạm Thế Anh nhấn mạnh, trong nửa cuối năm cần kiểm soát được lạm phát, nếu không sức ép mất giá đồng tiền rất lớn, khi đó sức ép tăng lãi suất và tỷ giá cũng tăng lên.

Đúng như dự báo gần đây của giới phân tích, Cục Dữ trự Liên bang Mỹ đã không hạ lãi suất vào tháng 6. Xu hướng này trái với một số dự báo hồi đầu năm bởi lạm phát của Mỹ vẫn dai dẳng hơn ước tính. Tâm điểm chú ý giờ dồn vào kỳ họp tháng 9 và tháng 11 với kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất một đến hai lần vào cuối năm nay.

"Khi nào Fed hạ lãi suất là yếu tố mà chúng ta không kiểm soát được, vậy nên cần đặt trọng tâm vào những chính sách bên trong nếu muốn ổn định tỷ giá", PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị về chính sách tiền tệ nửa cuối năm.

Báo cáo từ SSI đánh giá các quan chức Fed vẫn đưa ra quan điểm thận trọng về định hướng chính sách tiền tệ trong thời gian tới và giảm kỳ vọng về việc cắt lãi suất trong năm 2024 chỉ còn một lần (từ mức ba lần trong cuộc họp tháng ba).

Ngược lại, số liệu về CPI, PPI của Mỹ trong tháng 5 đều thấp hơn đáng kể so với ước tính, cho thấy xu hướng lạm phát hạ nhiệt đang được củng cố. Nhờ vậy, thông qua công cụ CME FedWatch, thị trường hiện đang đánh giá cao hơn việc Fed sẽ hạ lãi suất 2 lần trong năm nay.

Lãi suất nhích lên, tỷ giá bớt áp lực 

Diễn biến tỷ giá USD/VND giai đoạn tháng 2/2023 đến nay. (Nguồn: SSI Research).

Phân tích về diễn biến tỷ giá, các chuyên gia SSI cho rằng áp lực về tỷ giá tăng dần theo xu hướng quốc tế và tỷ giá USD/VND liên ngân hàng quay trở lại mức bán tại SBV, giao dịch ở VND 25.450 đồng, tương đương với mức tăng 0,2% trong tuần qua. Tương tự, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại đều tăng lên mức trần biên độ hay trên thị trường tự do tăng 140 đồng. 

"Tỷ giá biến động hơn trong thời gian vừa qua là câu chuyện chung của cả thế giới trong bối cảnh USD tăng giá khoảng 3,6% từ đầu năm đến giờ", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia dự báo.

Theo ông, nửa đầu năm tỷ giá trong thời gian biến động rất mạnh, có lúc mất giá 4,9% nhưng hiện tại đã bớt áp lực. Nguyên nhân là USD Index đã dịu đi, có lúc tăng lên trên 106 điểm nhưng sau đó giảm xuống 104 và hiện là ở khoảng 105 điểm. 

Chênh lệch giữa khối lượng lưu hành giữa OMO và tín phiếu so với lãi suất ON (Nguồn: SSI Research).

Với yếu tố trong nước, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng điều quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực để kéo lãi suất lên một chút.

"Những tháng trước đây mặt bằng lãi suất quá thấp, lãi suất huy động kỳ hạn dưới một năm chỉ khoảng 3 – 4%, thậm chí còn thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát của Việt Nam khoảng trên 4%.

Điều này dẫn đến lãi suất cần nhích lên đôi chút, trong đó lãi suất huy động có thể lên mức 4 -5% hoặc thậm chí là 6% để phù hợp với tình hình lãi suất trong nước, chuyên gia Thế Anh khuyến nghị.

Theo ông, mức lãi suất huy động 5 - 6 % cũng không phải là cao so với những năm lãi suất ở đỉnh lịch sử như trước đây. Do đó sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng vay vốn hay tiếp cận vốn.

“Lãi suất huy động cần tăng lên một chút trong khi lãi suất cho vay cần phải cố giữ để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn khá cao, gây ra sự bất hợp lý”, vị chuyên gia này phân tích.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ghi nhận ở nhiều ngân hàng thương mại vừa và nhỏ đã tăng lên mức 5,5 – 6,0%/năm trong khi nhóm ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước và ngân hàng lớn vẫn đang duy trì ở mức thấp, từ 4,8% - 5,2%.

Cần kiểm soát lạm phát, giữ vững cán cân thanh toán 

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NEU).

Mặc dù lãi suất đã được nhích lên thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa VND và USD để hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam, tuy nhiên theo các chuyên gia còn nhiều yếu tố mà NHNN cần kiểm soát nếu muốn ổn định tỷ giá nửa cuối năm vì rất có thể phải đến tháng 11, 12 Fed mới bắt đầu hạ lãi suất.

Fed sẽ kéo dài mức lãi suất cao như hiện tại đến bao giờ là điều chúng ta không kiểm soát được vì vậy cần linh hoạt trong điều hành vĩ mô, tiền tệ. Sự linh hoạt đó thể hiện qua việc có thể kiểm soát lạm phát bằng cách không để xảy ra sự tắc nghẽn trong cung ứng hàng hoá thiết yếu, các lộ trình điều tiết các mặt hàng nhà nước quản lý phải phù hợp như giá y tế, giáo dục, giá điện….

Chuyên gia Phạm Thế Anh nhấn mạnh, cần kiểm soát được lạm phát nếu không sức ép mất giá đồng tiền rất lớn, khi đó sức ép tăng lãi suất cũng tăng lên. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xu hướng lạm phát tháng này so với tháng trước chỉ tăng không đáng kể như tháng 5 tăng 0,05% so với tháng 4. Điều này cho thấy lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát và rất không đáng ngại.

Tuy nhiên, ông Thế Anh cho rằng trong nền kinh tế thực dường như giá cả bên ngoài có sự tăng nhiều hơn và các mặt hàng mà người dân thường xuyên chi tiêu có giá tăng nhanh hơn ước tính.

Vì vậy, cần kiểm soát lạm phát một cách thực chất chứ không chỉ nhìn vào số liệu bởi một khi lạm phát bùng lên, kết hợp với các yếu tố bên ngoài có thể khiến tỷ giá lại một lần nữa "dậy sóng". 

Chênh lệch lãi suất USD-VND kỳ hạn qua đêm. (Nguồn: SSI Research).

Hiện cung cầu ngoại tệ được đảm bảo, Việt Nam vẫn thặng dư thương mại song đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu khiến cán cân thương mại thâm hụt trong ngắn hạn. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực để có USD từ dòng kiều hối, đầu tư FDI, du lịch quốc tế phục hồi tích cực nhằm hỗ trợ cho tỷ giá trong thời gian tới.

Hạ An