|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

14 lần tăng lương cơ sở đã có hai lần lạm phát tăng vọt lên khoảng 20%, nhiều lần giảm

22:41 | 26/06/2024
Chia sẻ
Hai lần tăng lương cơ sở lạm phát tăng vọt là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23% và năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%. Tuy nhiên, lạm phát tăng do kết hợp cả giá dầu và tỷ giá tăng mạnh.

Nhắc lại 14 lần tăng lương cơ sở trong vòng 20 năm qua đã tác động như thế nào đến lạm phát tại phiên thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM nhấn mạnh tăng lương nhưng cần có biện pháp hiệu quả để kiểm soát lạm phát.

Đại biểu đồng tình với việc thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Kết luận số 83 năm 2024 của Bộ Chính trị nhưng theo đại biểu phải kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu vì như vậy mới đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương, tăng thu nhập.

Hai lần lạm phát tăng vọt

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Nêu dẫn chứng quá trình tăng mức lương cơ sở tác động đến lạm phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay Trong vòng 20 năm, chúng ta đã có 14 lần tăng mức lương cơ sở.

Trong đó, năm 2005, khi tăng lương cơ sở 20,7% thì lạm phát giảm từ 8,5% xuống 8,4%. Năm 2006, khi tăng lương cơ sở 28,57% thì lạm phát giảm từ 7,5 xuống 6,3%.

Năm 2012, tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống còn 9,2%. Năm 2016, tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%. Và năm 2023, tăng lương cơ sở 20,8% thì lạm phát giảm còn 3,25%.

Tuy nhiên, cũng có hai lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%. Và năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%.

Dù vậy, đại biểu cũng nhìn nhận năm 2008 và năm 2011, việc lạm phát này không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới và giá dầu thế giới tăng, cộng với tỷ giá trong nước tăng.

Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 25/6, đại biểu  Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng nhấn mạnh, theo tờ trình của Chính phủ, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ ngày 1/7 sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. 

Tổng nguồn vốn thực hiện các điều chỉnh lần này theo báo cáo của Chính phủ là 913.000 tỷ đồng. Việc đẩy một lượng tiền lớn trong 3 năm 2024, 2025 và 2026 sẽ tạo áp lực đối với công tác điều hành chỉ số giá tiêu dùng, dễ gây ra tình trạng tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Không tăng giá điện, y tế, giáo dục đồng thời vào 1/7 

Tuy lo ngại về việc tăng lương sẽ làm tăng lạm phát song Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế lạm phát khi tăng lương cơ sở, do đó Chính phủ cần quan tâm đến ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát khi tăng lương. Trong đó tập trung vào 4 giải pháp.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ, chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và giữ ổn định tỷ giá. 

Thứ hai, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh phải giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 01/7/2024.

Thứ ba, phải chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung hàng hóa, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất. 

Thứ tư, quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh các vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị, Chính phủ cần xem xét, đánh giá một số tác động ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát, bởi khi tăng tiền lương có nghĩa sẽ làm tăng chi tiêu công, hoặc cũng có thể làm tăng nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng. 

Cùng với đó, cần xem xét các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược, kể cả từ bên trong và bên ngoài. Nước ta phải nhập nhiều nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước. Do đó, cần có những chính sách để hỗ trợ, kiểm soát nhằm hạn chế tác động của giá trên thế giới đến thị trường trong nước.

Về dài hạn, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, cần thực hiện tốt các chính sách về tài khóa, tiền tệ nhằm kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới khi việc tăng trưởng đặt ra chỉ tiêu rất cao là lạm phát giảm

Hạ An