|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể

11:06 | 05/08/2024
Chia sẻ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những điểm sáng của nền kinh tế tháng 7 là có tới 60/63 tỉnh thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, lạm phát vẫn được kiểm soát. Dù thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.

Phát biểu ở phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết nhờ sự nỗ lực, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6, tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. 60/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tức chỉ có ba địa phương giảm cho thấy điểm sáng của nền kinh tế.

 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

 

Tăng lương cơ sở nhưng lạm phát không đáng kể

Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng trong tháng 7, nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ. Đáng chú ý mặc dù thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.

Theo đó, trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,89% so với tháng 12/2023 và tăng 4,36% so với cùng kỳ. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%.

 

Tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân khiến CPI tăng nhẹ do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.

Khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi

 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn.

Trong đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn còn diễn biến phức tạp, xung đột leo thang ở Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza. Kinh tế toàn cầu còn rủi ro, có tín hiệu phục hồi nhưng thiếu vững chắc, thiếu đồng đều với giá USD, giá vàng tăng cao, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh.

Lạm phát chưa về mức mục tiêu tại nhiều quốc gia, Fed chưa cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, thế giới còn phải đối mặt với các vấn đề về già hóa dân số, thiếu hụt lao động, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai tác động nặng nề, tiếp tục là những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, đặc biệt, thế giới đã trải qua những ngày nóng nhất lịch sử trong tháng 7.

"Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm…

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong tháng 7 và 7 tháng, những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo, đột phá, hiệu quả trong thực tiễn.

Cũng như, nhận định về tình hình tháng 8 và thời gian tới, đề xuất những cơ chế, chính sách giải pháp, các lĩnh vực trọng tâm, tạo đột phá trong tháng 8, quý III và những tháng cuối năm (ngoài các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp bao trùm cho cả năm trong Nghị quyết 01, 02 năm 2024), đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%.

Cùng với đó là việc chuẩn bị các nội dung cụ thể, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV.

"Phải chăng là quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc liên quan thể chế, tập trung thi hành tốt các luật mới được ban hành và đã có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng?", Thủ tướng nêu vấn đề.

Ngoài ra, các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phản ứng chính sách tốt hơn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, làm mới ba động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…

 

 

Hạ An