Lạm phát châm ngòi cho làn sóng lao động đòi tăng lương trên toàn cầu
Chỉ riêng tuần vừa qua, đã có hàng loạt cuộc đình công của y tá ở Zimbabwe, tiếp viên và phi công ở Bỉ, công nhân đường sắt ở Anh và nhân viên ngành hàng không ở Mỹ. Các nhà kinh tế cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá năng lượng, phân bón, ngũ cốc, dầu ăn tăng lên.
Đây là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng vọt và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu. Tổ chức chống nghèo đói Oxfam đang kêu gọi Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong hội nghị thượng đỉnh từ ngày 26-28/6 tại Đức, giảm nợ cho các nền kinh tế đang phát triển và đánh thuế các tập đoàn lớn.
Các cuộc biểu tình và đình công đã thu hút sự chú ý của các chính phủ, vốn đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ như tăng trợ cấp cho các hóa đơn điện nước và cắt giảm thuế nhiên liệu. Thông thường, những biện pháp này không thực sự hiệu quả bởi thị trường năng lượng luôn biến động.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đang cố gắng giảm bớt lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Mặt khác, nhiều người lao động đã lựa chọn cách đình công để gây áp lực buộc giới chủ ngồi vào bàn đàm phán về việc tăng lương để theo kịp đà tăng giá tiêu dùng.
Các cuộc biểu tình và đình công đang phản ánh cảm giác mất an toàn tài chính ngày càng tăng. Eddie Dempsey, quan chức cấp cao của Liên đoàn Công nhân đường sắt, hàng hải và vận tải Anh (RMT), đơn vị đã kêu gọi các cuộc đình công khiến dịch vụ đường sắt của Vương quốc Anh bị gián đoạn trong tuần này, cho biết sẽ có nhiều yêu cầu tăng lương trong các lĩnh vực khác.
Ông Dempsey nhấn mạnh: “Đã đến lúc nước Anh tăng lương. Tiền lương đã giảm trong 30 năm trong khi lợi nhuận của các công ty đang tăng vọt”. Tuần trước, hàng nghìn tài xế xe tải ở Hàn Quốc đã chấm dứt cuộc đình công kéo dài 8 ngày gây ra sự chậm trễ trong hoạt động giao hàng khi họ kêu gọi đảm bảo mức lương tối thiểu trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.
Nhiều tháng trước đó, các tài xế xe tải ở Tây Ban Nha đã đình công để phản đối giá nhiên liệu. Lạm phát có tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với những người tị nạn và người nghèo ở các khu vực đang xảy ra xung đột như Afghanistan, Yemen, Myanmar và Haiti, nơi giao tranh buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa và dựa vào các tổ chức cứu trợ để tồn tại.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 6% ở các nền kinh tế tiên tiến và gần 9% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, xuống còn 3,6% trong năm nay và năm tới.
IMF đang kêu gọi các chính phủ tập trung các gói hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất để tránh gây ra suy thoái kinh tế. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trên toàn thế giới, từ sản xuất đến du lịch. Biến đổi khí hậu và hạn hán đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở một số quốc gia, khiến các biện pháp cấm xuất khẩu đẩy giá lương thực lên cao hơn nữa.
Peter Ceretti, nhà phân tích theo dõi rủi ro an ninh lương thực của công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết giá lương thực tăng gây tác động lớn đến các nước thu nhập thấp, những nơi mà 42% thu nhập hộ gia đình được chi tiêu cho thực phẩm.