|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Anh: Doanh số bán lẻ tháng 5 đi xuống do lạm phát cao

20:12 | 24/06/2022
Chia sẻ
Theo đó, báo cáo của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết doanh số bán hàng tại nước này đã giảm 0,5% trong tháng trước, đảo ngược so với mức tăng 0,4% trong tháng Tư.

 Một cửa hàng thực phẩm tại Anh. (Ảnh: TTXVN).

Báo cáo chính thức công bố ngày 24/6 cho thấy doanh số bán lẻ tính theo khối lượng của Vương quốc Anh đã giảm trong tháng 5/2022, chủ yếu do lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, đặc biệt là cho thực phẩm.

Theo đó, báo cáo của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết doanh số bán hàng tại nước này đã giảm 0,5% trong tháng trước, đảo ngược so với mức tăng 0,4% trong tháng Tư.

Báo cáo cũng điều chỉnh giảm mạnh số liệu của tháng Tư, sau khi ước tính ban đầu cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng 1,4% vào tháng đó.

Bà Heather Bovill, Phó Giám đốc phụ trách các cuộc khảo sát và chỉ số kinh tế của ONS, cho biết, doanh số bán lẻ giảm trong tháng 5/2022 vì doanh số bán thực phẩm giảm. Phản hồi từ các siêu thị cho thấy khách hàng đang chi tiêu ít hơn cho thực phẩm vì chi phí sinh hoạt tăng. ONS cho biết thêm các cửa hàng thực phẩm ở Anh ghi nhận khối lượng bán hàng giảm 1,6% trong tháng 5/2022.

Cũng theo bà Bovill, các cửa hàng bách hóa và các công ty bán hàng gia dụng trong cùng giai đoạn đã báo cáo việc người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu, chủ yếu do lo lắng về khả năng chi trả của bản thân và giá cả hàng hóa cao hơn.

Những sự suy giảm trên được bù đắp một phần bởi doanh số bán nhiên liệu và mua quần áo mùa Hè cao hơn.

Ông Myron Jobson, nhà phân tích tài chính cá nhân cấp cao tại công ty tư vấn Interactive Investor, cho biết giá cả tăng đồng nghĩa người tiêu dùng ngày càng phải cân nhắc các quyết định chi tiêu, khi mức chi phí sinh hoạt ngày một tăng có ảnh hưởng rõ ràng hơn lên tình hình tài chính của họ.

Lạm phát trên khắp thế giới đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ do giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Các doanh nghiệp cũng gặp phải những hạn chế về nguồn cung khi các lệnh đóng cửa để phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ và sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát.

H.Thủy (Theo AFP)