|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp xe buýt lớn nhất Hà Nội đưa xe điện VinFast vào vận hành: Có hơn 1.000 phương tiện, thu nghìn tỷ đồng/năm

14:40 | 13/01/2025
Chia sẻ
Ngoài VinBus, Hà Nội sẽ có thêm Transerco và Bảo Yến đưa xe buýt điện vào vận hành trong thời gian tới.

Từ 1/2, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco, thương hiệu Hanoibus), sẽ thực hiện thay mới toàn bộ phương tiện từ chạy dầu (diesel) sang xe buýt chạy bằng động cơ điện trên 3 tuyến buýt, gồm: tuyến 05, KĐT Linh Đàm - Phú Diễn; tuyến 39, Công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp; tuyến 47 Long Biên - Bát Tràng.

Lãnh đạo Transerco cho biết sẽ thực hiện từng bước thay thế các xe chạy dầu sang nhiên liệu xanh.

Theo hình ảnh công ty đăng tải, mẫu xe buýt điện có hai màu chủ đạo quen thuộc là xanh và đen, giống như màu VinBus đang vận hành. Xe được sản xuất bởi VinFast, có sức chứa 60 hành khách, sở hữu hai cửa mở.

Xe được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ như hệ thống giám sát hành trình, camera, hệ thống thông báo điểm dừng và các trang thiết bị hỗ trợ người khuyết tật.

Transerco sẽ thực hiện thay mới toàn bộ phương tiện từ chạy dầu (diesel) sang xe buýt chạy bằng động cơ điện trên 3 tuyến buýt. (Ảnh: Transerco).

Trước đó, hồi tháng 10/2024, liên danh VinFast - VGreen đã trúng thầu gói thầu "Mua sắm 17 xe buýt điện trung bình (60 chỗ) và thiết bị trụ sạc" thuộc dự án "Đầu tư thí điểm xe buýt điện trung bình năm 2024" của Transerco. Gói thầu có giá 74 đồng. Trong đó, 17 xe buýt điện (60 chỗ) tổng chi phí là 69,7 tỷ đồng, 8 trụ sạc 120kW là 4,32 tỷ đồng.

Transerco làm ăn ra sao?

Transerco được thành lập từ tháng 5/2004 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Công ty Vận tải và Dịch vụ Công cộng Hà Nội cùng các công ty Nhà nước: Công ty Quản lý bến xe Hà Nội; Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội; Công ty Vận tải thủy Hà Nội; Công ty xây dựng giao thông đô thị Hà Nội; Công ty vận tải biển Hà Nội; Công ty đóng tàu Hà Nội; Công ty xăng dầu chất đốt Hà Nội và Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ hàng hóa Hà Nội. 

Cập nhật từ Transerco, tính đến năm 2014, công ty có 12 đơn vị trực thuộc công ty mẹ, 10 công ty con, liên doanh, liên kết với trên 10.000 lao động. Theo công bố trên website, đơn vị này có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, tài sản trên 2.500 tỷ đồng.

Hanoibus là thương hiệu thuộc Transerco. (Ảnh: Lâm Anh).

Lĩnh vực kinh doanh chính của Transerco gồm vận tải hành khách công cộng, hạ tầng vận tải, kinh doanh vận tải, khương mại dịch vụ và giá trị gia tăng.

Tại Hà Nội, công ty tham gia quản lý vận hành trên 100 tuyến xe buýt với hơn 1.000 phương tiện, phục vụ hơn gần 50 triệu lượt khách vé lượt và cung cấp 1,4 triệu tem vé tháng mỗi năm.

Trong năm 2024, Transerco cho biết đã vận hành hơn 3,4 triệu lượt xe buýt, bằng 98% kế hoạch, giảm 10% so với năm 2023. Tổng sản lượng hành khách vận chuyển của công ty có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, ước đạt trên 234 triệu lượt.

Về tình hình kinh doanh, năm 2021, doanh thu thuần Transerco đạt 1.948 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty vỏn vẹn hơn 1,4 tỷ đồng, giảm 90% so với năm 2020 (15 tỷ đồng), theo Đại biểu nhân dân.

Chiến dịch xanh hoá xe buýt của Hà Nội

Mới đây, Bảo Yến, đơn vị vận hành nhiều tuyến buýt ở Hà Nội đã thông báo trên fanpage về việc dàn xe buýt điện mới đã có mặt tại trụ sở chính của công ty tại Đông Anh. Từ hình ảnh được công bố, đây chính là mẫu xe buýt mới do VinFast sản xuất, từng xuất hiện tại nhà máy của hãng tại Hải Phòng cuối năm 2024, mang tên Green Bus 8.

Như vậy, Hà Nội đã có thêm Bảo Yến, Transerco khai thác xe buýt điện cùng với VinBus trong thời gian tới

Tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn Hà Nội có hơn 2.000 xe bus được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe bus điện. Số lượng xe bus sử dụng năng lượng sạch đạt tỷ lệ 13,6% tổng số xe toàn mạng lưới xe bus, thông tin từ báo Nhân dân.

Ngoài ra, trong số xe bus đang vận hành có hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên, còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu dầu diezel cần thay thế.

Tháng 11/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".

Theo phương án chuyển đổi, trong đầu năm 2025, có 4 đơn vị vận tải (Tổng công ty vận tải Hà Nội, CTCP Vận tải Newway, Công ty liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) sẽ đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt  điện, với 76 xe (11 xe bus nhỏ, 65 xe trung bình), để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.

Đối với các tuyến bus hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến thành phố sẽ chuyển đổi phương tiện động cơ diezel lớn hết khấu hao sang xe bus điện lớn (tuyến buýt số 34 với tổng số dự kiến 27 xe). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, bằng 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.

Như vậy, việc chuyển đổi sang dòng buýt điện của Bảo Yến là động thái giúp công ty nhanh chóng thích nghi với những quy định mới, đứng vững trên thị trường vận tải trong thời gian tới.

Lâm Anh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Nhiều cái tên lãi vượt tỷ đô, tín dụng tăng trưởng hai con số
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.