|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2025: Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, GRDP các địa phương bình quân tăng 8 - 10%

17:27 | 13/01/2025
Chia sẻ
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá để đề xuất, xem xét việc kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Mục tiêu tăng trưởng GDP đạt trên 8%

Nghị quyết nêu rõ: Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 theo Kết luận, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%).

Đồng thời, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 được Chính phủ đặt ra là tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là TP Hà Nội, TP HCM, ác địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước để phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.

Một trong những giải pháp được Chính phủ ưu tiên thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao  trong đó điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành chính sách tài khóa, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.

Theo dõi sát thị trường vàng, triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo quy định pháp luật, an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước.

Bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững, mở rộng cơ sở thu và chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch xuyên biên giới; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định bắt buộc về hóa đơn điện tử đối với tất cả các ngành, lĩnh vực.

Nghiên cứu, đánh giá để đề xuất, xem xét việc kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Lạm phát dưới 4,5%, tổng doanh thu bán lẻ tăng 10 - 12%

Chính phủ đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10 - 12%. (Ảnh minh hoạ).

Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025 ở mức khoảng 4,5% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thực hiện nghiêm các quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Triển khai hiệu quả Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn để huy động nguồn lực cho nền kinh tế; năm 2025 phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán. Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phát triển mạnh thị trường trong nước; triển khai các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10 - 12%.

Theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm Lễ, Tết, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đặt mục tiêu 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế

Thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế. Nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.

Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách du lịch nội địa. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.

Tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí.

Kiên quyết thu hồi vốn đã bố trí cho các dự án không triển khai theo kế hoạch phê duyệt hoặc các dự án chưa thực sự cần thiết, đầu tư chưa phát huy hiệu quả; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết; ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách nhà nước cả Trung ương và địa phương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối các trung tâm kinh tế và các địa phương là cực tăng trưởng.

Xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá, động lực mới cho tăng trưởng như chíp, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, hydrogen xanh…

Thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet, internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí...; khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Hoàn thiện cơ chế thử nghiệm (sandbox) để hỗ trợ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)…; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Kịp thời có giải pháp quản lý, điều tiết sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là hàng hóa thiết yếu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống.

Hạ An