|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thách thức bủa vây ngành hàng không toàn cầu trong năm 2025

20:04 | 13/01/2025
Chia sẻ
Hội nghị thường niên của Airline Economics tại Dublin, Ireland, đã thu hút sự quan tâm của giới tài chính và cho thuê máy bay toàn cầu, những người đóng vai trò quan trọng trong ngành hàng không.

Máy bay A320NEO của hãng Airbus thực hiện chuyến bay kiểm tra tại Blagnac, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Mặc dù thị trường đang chứng kiến giá thuê máy bay tăng và giá dầu tương đối ổn định, nhưng những bất ổn về tình trạng thiếu hụt máy bay và căng thẳng thương mại vẫn là mối lo ngại chính.

Ireland, trung tâm của ngành cho thuê máy bay toàn cầu, kiểm soát khoảng một nửa số máy bay của các hãng hàng không trên thế giới. Hội nghị Airline Economics được xem là dịp để đánh giá sớm các rủi ro kinh tế và thương mại toàn cầu.

Các công ty cho thuê máy bay đang hưởng lợi từ việc giá thuê và giá bán lại máy bay tăng cao, khi các hãng hàng không nỗ lực đáp ứng nhu cầu, trong khi các nhà sản xuất máy bay vẫn đang gặp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19.

Việc tiếp cận các máy bay mới đang gặp trở ngại do chuỗi cung ứng thiếu phụ tùng và lao động. Vì vậy, nhu cầu máy bay cũ tăng mạnh để bù đắp sự thiếu hụt này.

Theo chuyên gia hàng không Bertrand Grabowski, tốc độ tăng sản lượng của các nhà sản xuất máy bay sẽ là yếu tố quyết định đến sự phát triển của thị trường cho thuê máy bay. Ông cũng cho biết giá thuê máy bay đã bắt đầu chững lại do các hãng hàng không thận trọng hơn trong việc tăng công suất.

Giới chuyên gia vẫn có những nhận định khác nhau về việc tình trạng thiếu hụt máy bay này sẽ kéo dài trong bao lâu. Một số ý kiến cho rằng thị trường có thể trở lại trạng thái dư thừa công suất sau khoảng ba năm, trong khi số khác dự đoán tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài hơn.

Airbus đặt mục tiêu sản xuất 75 máy bay dòng A320 mỗi tháng vào năm 2027, sau nhiều lần trì hoãn mục tiêu này do vấn đề nguồn cung. Trong khi đó, Boeing đang dần khôi phục sản lượng máy bay 737 MAX lên 38 chiếc mỗi tháng. Đây là mức trần tạm thời do cơ quan quản lý đặt ra sau một sự cố kỹ thuật xảy ra một năm trước.

Khoảng 3.000 đại biểu tham dự hội nghị cũng tập trung phân tích tác động tiềm tàng của việc thay đổi chính quyền tại Mỹ, đặc biệt là chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Một số nhà phân tích lo ngại rằng chính sách này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của ngành hàng không vũ trụ và các ngành khác, đồng thời làm giảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

Ông Andy Cronin, người đứng đầu Avolon, công ty cho thuê máy bay lớn thứ hai thế giới, cho rằng bất kỳ tác động nào đến chuỗi cung ứng cũng sẽ gây bất lợi trong bối cảnh ngành sản xuất máy bay đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu.

Ông Avolon dự đoán các nhà sản xuất máy bay lớn sẽ tiếp tục đối mặt với những hạn chế về năng lực sản xuất trong ít nhất một thập kỷ tới.

Ngành hàng không đã trải qua một năm với nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong hoạt động giao máy bay, sửa chữa động cơ chậm, vấn đề an ninh ở Trung Đông và những bất đồng trong vấn đề lao động.

Mặc dù Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự đoán năm 2025 sẽ ghi nhận số lượng hành khách kỷ lục và doanh thu nghìn tỷ USD, nhưng sự phục hồi của thị trường du lịch, đặc biệt là từ Trung Quốc và phân khúc khách doanh nhân, vẫn chậm hơn dự đoán.

Một vấn đề khác được quan tâm là tác động của đồng USD tăng giá đối với các hãng hàng không, khi họ phải thanh toán nhiên liệu và máy bay bằng USD nhưng có doanh thu lại bằng nội tệ.

Chỉ số các đồng tiền thị trường mới nổi của MSCI đang ở gần mức thấp nhất trong sáu tháng và đồng rupee của Ấn Độ, thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, vừa chạm mức thấp kỷ lục.

Khánh Ly