|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chưa chắc chứng khoán Mỹ sẽ phục hồi nhanh chóng sau thỏa thuận đình chỉ trần nợ

07:02 | 30/05/2023
Chia sẻ
Ngay cả khi thỏa thuận đình chỉ trần nợ được thông qua, thị trường chứng khoán Mỹ có thể vẫn phải đối mặt với một loạt thách thức, chẳng hạn như sự cạnh tranh từ thị trường trái phiếu hay nguy cơ nhà đầu tư mất niềm tin vào toàn bộ hệ thống tài chính.

Theo CNN, ngay cả khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật đình chỉ trần nợ và Tổng thống Joe Biden đặt bút ký, thì có thể sẽ mất vài tháng trước khi chứng khoán và các thị trường tài chính khác hoàn toàn gác lại những lo lắng.

“Một trong những lo ngại của tôi là ngay cả trong thời gian thỏa thuận trần nợ chuẩn bị được thông qua, thị trường tài chính có thể sẽ gặp khó khăn đáng kể”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết.

“Chúng ta mới chỉ thấy sự khởi đầu”, bà Yellen đề cập đến sự biến động của thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong những ngày gần đây.

Chỉ số Dow Jones liên tục giảm điểm trong 5 phiên, sau đó phục hồi mạnh mẽ vào ngày 25/6.

Tác động tức thời

Ngay cả trong trường hợp Mỹ không vỡ nợ, thị trường chứng khoán vẫn sẽ phải chuẩn bị cho một hành trình đầy khó khăn. Nguyên nhân là bởi Bộ Tài chính sẽ phải bổ sung ngay lập tức lượng tiền mặt đã sử dụng trong thời gian áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ vợ.

Ông Michael Reynolds, Phó Chủ tịch chiến lược đầu tư tại Glenmede, cho biết nỗ lực bổ sung ngân sách của Bộ Tài chính sẽ khiến thị trường cổ phiếu mất sức hút.

Sau khi cân nhắc, nhiều nhà đầu tư có thể thấy lợi nhuận từ việc đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ cao hơn so với cổ phiếu. Kết quả là, một lượng thanh khoản sẽ tạm thời bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán, ông Reynolds cho biết.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng trần nợ năm 2011

Vào năm 2011, các nhà lập pháp đã đi đến thỏa thuận về việc nâng giới hạn đi vay, chỉ vài giờ trước khi Mỹ có nguy cơ vỡ nợ. Hai ngày sau, lần đầu tiên trong lịch sử, Standard & Poor's (S&P) đã hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.

Phải mất đến hai tháng để cổ phiếu phục hồi từ những đợt bán tháo khi Mỹ đến gần thời điểm vỡ nợ dự kiến cũng như bị hạ xếp hạng tín dụng. 

Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận nâng trần nợ vào ngày 2/8/2011, chứng khoán Mỹ vẫn mất đi thêm hơn 13% do bị S&P 500 hạ xếp hạng tín dụng. Phải đến cuối tháng 10/2011 thì S&P 500 mới trở lại ngưỡng 1.300 điểm.

Lịch sử có thể lặp lại?

Giám đốc đầu tư tại Key Private Bank, ông George Mateyo cho biết: “Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu mô hình năm 2011 lặp lại một lần nữa”.

Ông Mateyo không tin rằng một cơ quan xếp hạng tín dụng lớn sẽ hạ đánh giá của Mỹ trước hoặc sau khi thỏa thuận trần nợ được thông qua, nhưng theo ông, tình trạng bế tắc hiện tại có thể dẫn đến sự mất niềm tin lớn vào hệ thống tài chính của Mỹ.

Do vậy, ông dự báo sự biến động của thị trường chứng khoán sẽ kéo dài háng tháng ngay cả sau khi thỏa thuận trần nợ được ký kết. “Đình chỉ trần nợ không có nghĩa là chúng ta thoát khỏi khó khăn”, ông Mateyo nhận định.

Minh Quang