|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chạy đua vũ khí toàn cầu sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế thế giới?

07:00 | 29/05/2023
Chia sẻ
Tổng chi tiêu bổ sung cho lĩnh vực quốc phòng trên toàn thế giới có thể lên đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm, làm dấy lên lo ngại về áp lực lên lạm phát và tăng trưởng.

Tiêm kích F-35 Lightning II. (Ảnh: US Air Force). 

Vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng giảm chi tiêu quốc phòng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế. Ông tuyên bố vào năm 1992: “Chúng ta có thể gặt hái lợi ích thực sự từ hòa bình ngay trong năm nay và cho đến mãi về sau bằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng vĩnh viễn”.

Tuyên bố của ông Bush có sức ảnh hưởng tới toàn thế giới. Bản thân nước Mỹ đã mạnh tay giảm chi tiêu cho quốc phòng từ mức 6% GDP năm 1989 xuống khoảng 3% vào 10 năm sau.

Nhưng sau đó, vụ khủng bố 11/9 xảy ra, và tiếp đến Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Giờ đây, cuộc xung đột Nga-Ukraine và tham vọng hạt nhân của Iran đang thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia trong thế kỷ 21 lên tầm cao mới.

 

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm ngoái chi tiêu cho quốc phòng trên toàn thế giới đã tăng gần 4% theo giá trị thực, lên đến hơn 2.000 tỷ USD.

Nhiều quốc gia NATO, trong đó có Đức, dự kiến sẽ chi 2% GDP hoặc hơn cho quốc phòng. Nhiều nước khác cũng đang lên kế hoạch vung tiền mua sắm. Nhật Bản dự tính sẽ tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng cho đến năm 2027, biến nước này thành nước chi tiêu lớn thứ ba thế giới cho lĩnh vực này.

Tờ Economist ước tính rằng nếu mọi cam kết và kế hoạch mới được thực hiện thì tổng chi tiêu bổ sung cho quốc phòng trên toàn thế giới sẽ tăng hơn 200 tỷ USD mỗi năm. Và con số thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Một trong những kịch bản đáng để xem xét là các quốc gia hiện chi chưa đến 2% GDP cho quốc phòng giờ đây đạt mức này và các nước còn lại tăng chi tiêu thêm 0,5 điểm % GDP. Khi đó, chi tiêu quốc phòng toàn cầu sẽ tăng gần 700 tỷ USD mỗi năm.

 

Số thành viên NATO đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quân sự đã tăng lên 9 nước vào năm ngoái. Giờ đây, NATO nói rằng con số 2% chỉ nên là “mức sàn, chứ không phải mức trần”. Một số quốc gia còn dự định làm nhiều hơn thế. Ba Lan đặt mục tiêu đạt 4% trong năm nay và cuối cùng sẽ tăng gấp đôi quy mô quân đội. Pháp đề cập đến việc chuyển sang “nền kinh tế chiến tranh”.

Cuộc chạy đua vũ trang cũng đang gia tăng ở phía bên kia địa cầu. Theo thỏa thuận AUKUS, Anh và Mỹ sẽ cung cấp cho Australia tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các nước này cũng nhắm đến việc phát triển những vũ khí khác, bao gồm tên lửa siêu vượt âm.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gần 75% theo giá trị thực trong 10 năm qua. Trung Quốc muốn “hoàn thành quá trình hiện đại hóa” các lực lượng của mình vào năm 2035 và trở thành một cường quốc quân sự “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049. Lực lượng hải quân của nước này hiện đã lớn hơn cả Mỹ.

Việc các nước vung tiền cho vũ khí đặt ra câu hỏi quan trọng: Liệu nền kinh tế toàn cầu có bị tổn hại hay không? Một số chuyên gia lo lắng rằng các khoản chi lớn cho quốc phòng sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới thông qua việc thổi bùng lạm phát hoặc cản trở tăng trưởng, hoặc cả hai.

Lạm phát

Theo tờ Economist, có rất ít lý do để tin rằng cuộc chạy đua vũ trang sẽ gây ra áp lực lạm phát đáng kể. Ngay cả những quan chức cứng rắn nhất cũng không kêu gọi đưa mức chi tiêu quốc phòng tính theo tỷ lệ GDP trở lại con số của thập niên 1960 hay 1970.

Trừ kịch bản các cường quốc xảy ra chiến tranh nóng, tổng các khoản chi tiêu quốc phòng khó có thể vượt quá 4% GDP toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là tác động của những khoản chi này lên nhu cầu tổng thể và lạm phát cũng sẽ ở mức thấp.

Chi tiêu có thể được giới hạn ở mức thấp chủ yếu bởi quốc phòng đã trở nên hiệu quả hơn so với trước đây. Các đội quân hiện đại cần ít binh lính hơn bao giờ hết, cho phép các nhà hoạch định quân sự giảm bớt chi phí tiền lương.

Ông James Geurts, một đại tá không quân đã nghỉ hưu, nhận xét: “Ngày nay bạn có thể tấn công hàng chục mục tiêu bằng một máy bay ném bom duy nhất, thay vì ngược lại như trong quá khứ”.

Dữ liệu chính thức từ Mỹ cho thấy nhờ chất lượng cải thiện, giá tên lửa trên danh nghĩa đã giảm khoảng 30% kể từ cuối thập niên 1970. Giá của máy bay quân sự gần như không đổi. Một quốc gia chỉ cần bỏ ra khoản chi tương đối khiêm tốn là đã có được năng lực quốc phòng đáng kể.

Tăng trưởng

Còn về tác động lên tăng trưởng thì sao? Nhiều sử gia tuyên bố rằng chi tiêu quốc phòng sẽ lấy mất nguồn lực của những bộ phận khác trong nền kinh tế. Ví dụ, khi một quốc gia mua tên lửa thì tên lửa thường sẽ nằm vĩnh viễn trong kho thay vì tạo ra giá trị kinh tế.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, tốc độ tăng trưởng năng suất ở Mỹ chậm lại do người dân phải phục vụ trong các nhà máy sản xuất vũ khí và đơn vị quân đội. Ngược lại, Nhật Bản và Tây Đức chứng kiến sự cải thiện năng suất to lớn khi hai nước này phải giới hạn chi tiêu quân sự sau cuộc chiến.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của câu chuyện. Một số nước như Israel và Hàn Quốc đã xây dựng được nền kinh tế sôi động song song với quá trình tạo dựng ngành quốc phòng to lớn. Tờ Economist đã phân tích dữ liệu của Ngân hàng Thế giới giữa chi tiêu quân sự và tăng trưởng GDP từ năm 1960 đến2021 và thấy rằng hai yếu tố này không có mối tương quan nào.  

Tăng cường đầu tư cho năng lực quốc phòng cũng có thể tạo ra tác động lan tỏa tích cực đến phần còn lại của nền kinh tế.

Nghiên cứu gần đây của fiáo sư Enrico Moretti thuộc Đại học California phát hiện ra: “Các hoạt động nghiên cứu và phát triển do chính phủ tài trợ nói chung - và trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng – có thể giúp một quốc gia tăng tổng chi tiêu cho đổi mới, sáng tạo trong một ngành nhất định".

Giang

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?