Chủ tịch VietinBank: Ngân hàng tích cực cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mong muốn sớm được tăng vốn tự có
Sáng ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp.
Tại Hội nghị, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết VietinBank và các ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch bệnh, đồng thời giảm mạnh phí dịch vụ.
Tính đến hết tháng 4, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng gặp khó khăn bởi dịch bệnh với doanh số giải ngân mới đạt trên 130.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay giảm 2-2,5%.
Năm 2020, ngân hàng dự kiến dành 3.000-4.000 tỉ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí dịch vụ. Trong đó, từ ngày 23/1 đến nay, VietinBank đã giảm hơn 800 tỉ đồng tiền lãi để hỗ trợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng.
Ngân hàng cũng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.500 khách hàng với dư nợ trên 50.000 tỉ đồng trong đó, dư nợ đến hạn cần cơ cấu lại là hơn 5.000 tỉ đồng.
Về đề xuất, VietinBank kiến nghị các doanh nghiệp cần triển khai xây dựng phương án, dự án thực sự khả thi. Doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng để minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ. Không để xảy ra trục lợi chính sách, đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội để cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản khi vay vốn, chủ động thích ứng với biến động của thị trường.
Ông Thọ cũng đề xuất ngân hàng và doanh nghiệp cần đảm bảo kinh doanh hiệu quả và an toàn. Việc hỗ trợ giảm lãi suất và phí dịch vụ bản chất là chia sẻ của ngân hàng từ nguồn vốn tự huy động, từ cắt giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận, do đó có những giới hạn nhất định và cần sự đồng hành, chia sẻ của doanh nghiệp để khắc phục khó khăn.
Cuối cùng, Chủ tịch VietinBank đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt sửa đổi Nghị định số 91 và phê duyệt phương án tăng vốn tự có cho các NHTM Nhà nước để các ngân hàng có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đón đầu các cơ hội mới sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bên cạnh đó, phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đến 8/5, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỉ đồng.
Ngành đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630 nghìn tỉ đồng cho khoảng 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỉ đồng.
Ngay sau Hội nghị này, Thống đốc NHNN cho biết NHNN sẽ lập Đoàn công tác làm việc tại các địa phương nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp của ngành ngân hàng để kịp thời xử lí các vướng mắc phát sinh, đồng thời phối hợp các Hiệp hội.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với khách hàng vay vốn bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng.
Chương trình tín dụng này được các TCTD triển khai từ nguồn huy động tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế, do vậy yêu cầu đặt ra cho các TCTD là phải bảo đảm an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.