|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng rà soát, phân cấp ủy quyền mạnh để đỡ tình trạng 'ngồi đôn đốc' từng dự án

13:25 | 21/02/2023
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng 'phải ngồi đôn đốc' từng dự án, từng địa phương.

Một trong những vấn đề nóng được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra sáng 21/2 là việc chậm giải ngân vốn đầu tư công do đâu?

Theo các đại biểu, tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân mà phần lớn trong số đó là từ cơ chế, chính sách, khó khăn về kỹ thuật như việc phân cấp phân quyền hay quy trình, thủ tục phức tạp.

Khó khăn trong phân cấp, phân quyền

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh thẳng thắn chỉ ra, có rất nhiều khó khăn về kĩ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền.

"Rất mong Thủ tướng trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các Bộ trưởng thì mong một Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp phân quyền cho địa phương", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện giờ một dự án "thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác", chặn về đất đai, về môi trường… mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: ĐCS).

'Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng 'phải ngồi đôn đốc nhau như thế này", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đề xuất.

Một vấn đề khác là liên quan đến Luật Đầu tư công, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư.

Hà Nội nhiệm kỳ này có 250.000 tỷ vốn đầu tư công, với số tiền này Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết số tiền này mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ.

Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà Hội đồng nhân dân không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay.

Quy trình, thủ tục quá chậm, kiến nghị làm đồng thời

Chủ tịch UBND cũng nêu vấn đề tiến độ thực hiện các quy trình, thủ tục hiện rất chậm. Lấy ví dụ về dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội đã hết thời gian hiệp định vay vốn. Ngày 31/12/2022, Thủ tướng cũng đã kiểm tra dự án và Hà Nội đã báo cáo tiến độ từ cuối tháng 11/2022 mà đến tháng 1/2023 mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng xuống Bộ KHĐT thẩm định.

"Việc này quá chậm, Hà Nội đã thông qua, thẩm định và chịu trách nhiệm về con số đó bây giờ chỉ còn lại thủ tục và quy trình mà tiến độ đang quá chậm", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu vấn đề.

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, thủ tục và quy trình hiện nay quá chậm và kiến nghị cho phép vừa lập vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thiết kế thi công.

Trong đó các công trình xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các hạng mục thuộc Dự án thành phần 1 đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Đồng thời, cho phép phân giai đoạn thực hiện cho công tác thi công trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ cho toàn công trình.

UBND tỉnh cho biết đã phải thành lập tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; thường xuyên tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện; chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thực hiện.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. (Ảnh: VGP).

Nhà thầu cam kết chất lượng, tỉnh cam kết giải quyết sớm vấn đề

Đồng thời, tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các nhà thầu ký cam kết về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công giữa các chủ đầu tư và nhà thầu thi công nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bên; chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố cam kết tiến độ giải ngân theo các mốc thời gian và đảm bảo mức vốn giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp không đạt tiến độ, sẽ xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đối với các nhà thầu không hoàn thiện hồ sơ quyết toán thì áp dụng mức xử lý cao nhất về vi phạm hợp đồng tiến độ xây dựng, chậm thủ tục thanh toán và xem xét đánh giá năng lực nhà thầu.

Ngược lại, ở phía địa phương, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nêu giải pháp rằng hằng tuần, lãnh đạo tỉnh phải nghe tất cả những khó khăn, vướng mắc của từng dự án. UBND tỉnh, Sở KH&ĐT phân công lãnh đạo nghe các đơn vị báo cáo để từ đó trực tiếp chỉ đạo.

Đồng thời, bản thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng ngồi trực tiếp lắng nghe, cùng tháo khó khăn. Những khó khăn, vướng mắc tập trung tháo gỡ chậm nhất 10 ngày sau khi đã nghe tất cả các báo cáo, đặc biệt là vướng mắc về thủ tục pháp lý, đất đai… Đây là cách làm để tháo gỡ kịp thời mới giải ngân được.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nêu ra một số khó khăn chủ yếu ở các dự án của địa phương như: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, năng lực đánh giá của các đơn vị liên quan như chủ đầu tư, đơn vị tư vấn; công tác phối hợp trong triển khai các dự án. Đây là những khó khăn lớn trong quá trình tỉnh triển khai công tác này.

Hạ An