Chủ tịch Mai Linh Hồ Huy chạy 'xe ôm công nghệ'
Mai Linh công bố dự thảo hợp nhất 'ba miền thành một', vốn điều lệ dự kiến 1.729 tỷ đồng | |
Chủ tịch Mai Linh chỉ ra cơ hội để các hãng taxi truyền thống tái xuất |
Các diễn đàn của Grab, Uber trên mạng xã hội Facebook đang xôn xao hình ảnh người đàn ông mặc áo xanh đồng phục của Mai Linh Bike ngồi trên xe SH màu nâu chạy xe ôm.
Nhiều thành viên diễn đàn nhận ra "xe ôm" chính là ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh. Nhiều người nói đó không chỉ là hình ảnh “làm hàng” vì nhiều khách hàng đã tình cờ đặt được “cuốc xe” của ông.
Hình ảnh Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh "chạy xe ôm" được chia sẻ trên mạng xã hội. |
Một chủ tài khoản “còm” rằng: "Người ta là Chủ tập đoàn Mai Linh tự hạ thấp mình để nghiên cứu Grab không đùa đâu nha mấy bác!". Một người tên Q.C cho đó là một hành động ý nghĩa, “Hồ Huy là một người sếp cần phải học tập". Một tài khoản khác tên H.H nói: “Cái này gọi là đi thực tế, em nể bác Huy”. Có người thì phán đoán Chủ tịch Hồ Huy đi để kiểm tra xem “Mai Linh có khách hay không?”.
Tài khoản Facebook "Huynh Nguyen" cũng bất ngờ chia sẻ câu chuyện bắt xe ôm công nghệ của Mai Linh Bike, với tài xế của chuyến đi chính là ông Hồ Huy. Chỉ sau ít giờ hình ảnh Huynh Nguyen đi xe ôm của ông Hồ Huy đã có hơn 1.200 lượt like kèm theo hàng chục bình luận. Theo Huynh Nguyen, anh tình cờ bắt được xe ôm của ông Hồ Huy.
Huynh Nguyen chia sẻ về chuyến xe ôm đặc biệt với ông Hồ Huy:
"Ngay lập tức, một chiếc xe máy đỗ bên đường: - Xin mời Anh lên xe!
Giật cả mình, quay lại, thật quá bất ngờ và không thể tin vào mắt mình, trên xe là Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, người mà mình vẫn kính trọng và quý mến bấy lâu này. Mình cứ đứng như trời trồng, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và không hiểu sao ông Hồ Huy Chủ tịch tập đoàn hôm nay lại trong vai tài xế, mà tài xế xe ôm chứ không phải taxi.
Chú cười cười... hóm hỉnh: Lên xe đi chú, hôm nay anh làm tài xế, trải nghiệm cùng với anh em...
Trên đường đi, chú chia sẻ: Nghề vận tải như làm dâu trăm họ. Chú luôn nhắc các nhân viên của mình là chúng ta phục vụ chứ không làm dịch vụ. Người lãnh đạo, muốn làm tốt thì phải gần và hiểu nhân viên. Hễ có thời gian rảnh, tớ lại trong vai tài xế, để xem, để lắng nghe và cảm nhận những vất vả khó nhọc của anh em, của nghề".
Chủ tịch Mai Linh trong vai trò xe ôm tận tình phục vụ khách hàng |
Mai Linh Bike vào làng “xe ôm công nghệ”
Cuối tháng 11/2017, Mai Linh taxi tuyên bố ra mắt xe ôm công nghệ với tên gọi Mai Linh Bike để “chạy đua” cùng các hãng xe công nghệ thời đại 4.0. Đó cũng chính là mốc đánh dấu sự “phản pháo” của doanh nghiệp Việt trên chính sân nhà.
Ông Hồ Huy nhận định, bên cạnh những điều bất bình đẳng trong quản lý Uber, Grab khiến cho taxi truyền thống chao đảo, công nghệ của họ đáng phải học tập. Ông từng tuyên bố sẽ làm toàn bộ những gì Uber và Grab đang làm và sẽ làm tốt hơn.
Ứng dụng của Mai Linh Bike về cơ bản giống với GrabBike hay UberMoto. Về mức giá, cũng không có sự chênh lệch đáng kể nếu so sánh với UberMoto và GrabBike.
Cụ thể, đối với loại xe Mai Linh Bike thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2 km đầu. Khách hàng phải trả thêm 3.800 đồng/km tiếp theo. Loại xe cấp cao có mức giá cước gấp đôi thông thường, ở mức 20.000 đồng/2km đầu và 7.000 đồng/km tiếp theo. Tuy nhiên loại hình Premium này chỉ được triển khai ở giai đoạn hai thời gian sau này.
Trong khi đó, UberMoto có mức giá cước là 3.700 đồng/km. Tuy nhiên, mỗi phút sử dụng dịch vụ này khách hàng còn bị tính cước 200 đồng, chưa kể UberMoto còn áp dụng cước phí hủy chuyến 5.000 đồng và đặt ra mức cước phí tối thiểu 10.000 đồng.
Một khách hàng so sánh giá cước của Mai Linh Bike và GrabBike. |
Grab áp mức cước 11.000 đồng/2 km đầu tiên đối với thị trường Hà Nội, trong khi 2 km đầu tiên tại Tp.HCM phải trả 12.000 đồng.
Tuy nhiên, mức giá của cả Uber lẫn Grab còn được “điều chỉnh linh hoạt” khi nhu cầu tăng cao dựa theo khu vực, thời điểm trong ngày nên có thể còn tăng khá mạnh thì Mai Linh chọn cách cam kết giá cước ổn định và không tăng giá giờ cao điểm.
Trong khi ứng dụng giống nhau, giá cả không quá khác biệt, đội ngũ lái xe có thể xem là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đua xe ôm công nghệ này. Hiện đã có khoảng 5.500 đối tác tham gia dịch vụ Mai Linh Bike.
Để chiêu mộ tài xế, Mai Linh hứa hẹn nhiều chính sách như tỷ lệ chia doanh thu 0% trong 2 tháng đầu và 15% cho các tháng tiếp theo, tức là tài xế sẽ được hưởng 85%.
Như vậy, mức chiết khấu mà Mai Linh đưa ra thấp hơn so với mức mà các hãng xe công nghệ Uber, Grab đang áp dụng từ 20-25%. Vì vậy, nhiều chuyên gia đánh giá sẽ có một cuộc cạnh tranh giành tài xế từ hãng này với các doanh nghiệp ngoại.
Tuy nhiên, việc tạo ra một hệ thống quản lý tối ưu với một “tay ngang” như Mai Linh vẫn là thách thức lớn.
Ông Hồ Huy: "Ai cũng sợ rủi ro, cái mới sẽ không có cơ hội"
Mai Linh do ông Hồ Huy làm Chủ tịch đã trải qua thời kỳ rất huy hoàng nhưng cũng có lúc gặp không ít sóng gió.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh Hồ Huy từng chia sẻ: “Là một doanh nhân có gốc gác “lính”, tôi chấp nhận thử thách và sẽ nỗ lực vượt qua thử thách. Khát vọng của tôi là xây dựng một thương hiệu Việt nổi tiếng. Không có lý gì để doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà, nên cho dù khó đến mấy cũng phải làm được. 23 năm gây dựng công ty đầy những thăng trầm, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc”.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh Hồ Huy thường xuyên tham gia vào các hoạt động từ thiện. |
Ông khẳng định: “Đổi mới là một quá trình khó khăn và làm người đi đầu là phải chấp nhận cả nguy hiểm, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện khát vọng của mình. Ai cũng sợ rủi ro thì cái mới sẽ không có cơ hội”.
Ông cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng công nghệ như Uber, Grab. Theo quan điểm của ông, học tập các phần mềm công nghệ chính là xu thế mà bất kì hãng nào, dù truyền thống hay công nghệ cao đều phải đối mặt.
“Nếu không cạnh tranh, xây dựng, cấu trúc lại để tồn tại thì Mai Linh hay bất cứ một doanh nghiệp nào ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài cũng không thể tồn tại trước chính sách của Uber, Grab”, ông khẳng định.