|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Hạ viện cho Nhà Trắng 48 giờ để chốt gói cứu trợ COVID-19

08:33 | 19/10/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump cùng giải quyết các tranh chấp về dự luật cứu trợ COVID-19 mới trong vòng 48 giờ khi các nhà lập pháp đang cố thông qua dự luật trước ngày bầu cử 3/11.

Sau khi trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin trong hơn một giờ vào tối ngày 17/10, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ra hạn chót 48 giờ cho cuộc đàm phán. Hai bên đồng ý thảo luận lại vào hôm nay (ngày 19/10 theo giờ Mỹ).

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài ABC News tối ngày 18/10, bà Pelosi cho biết hạn chót vừa được đặt ra là nhằm kêu gọi các nhà lập pháp thông qua dự luật cứu trợ COVID-19 mới trước ngày bầu cử 3/11, tức là còn khoảng hai tuần nữa.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho hay bà lạc quan về các cuộc đàm phán nhưng kết quả cuối cùng phụ thuộc vào Nhà Trắng.

"Con số 48 giờ buộc hai bên phải hành động nếu muốn đạt được gói cứu trợ mới trước thềm ngày bầu cử. Chúng tôi nói với Nhà Trắng là chúng tôi không nhất trí về một số điều khoản của dự luật. Thế nên hai bên có đồng ý sửa đổi không và sửa như thế nào?", bà Pelosi làm rõ.

"Tôi khá lạc quan vì chúng tôi đang trao đổi qua lại về dự luật cứu trợ thêm lần nữa", bà Pelosi nhấn mạnh.

Chủ tịch Hạ viện cho Nhà Trắng 48 giờ để chốt gói cứu trợ COVID-19  - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. (Ảnh: Getty Images)

Cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới đã kéo dài nhiều tháng nay, ngay cả khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên khắp đất nước và hàng triệu người dân Mỹ vẫn thất nghiệp.

Trong một lá thư gửi cho Đảng Dân chủ Hạ viện hôm 18/10, bà Nancy Pelosi cho biết ông Mnuchin đã gửi cho bà nội dung đề xuất về xét nghiệm COVID-19 vào cuối tuần qua. Đây cũng là một điểm tranh cãi từ lâu trong quá trình đàm phán.

Bà Pelosi cho biết có "một số thông tin đáng khích lệ" dù còn "nhiều công việc" cần phải xử lí ở điểm này.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin cho biết Nhà Trắng sẽ không để cuộc đàm phán gói cứu trợ phải thất bại chỉ vì các khác biệt về mục tiêu tài trợ cho chương trình xét nghiệm COVID-19.

Tuy nhiên, hôm 18/10, bà Pelosi cáo buộc Nhà Trắng xem nhẹ nội dung xét nghiệm COVID-19 và kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân đến mức tiền cứu trợ có thể tạo ra một quĩ bất chính cho chính phủ.

"Thay vì nhận ra sự cần thiết của một kế hoạch xét nghiệm chiến lược, họ lại thay đổi ngôn ngữ từ 'sẽ' thành 'có thể', 'yêu cầu' thành 'đề xuất' và 'kế hoạch chiến lược' thành 'chiến lược'", bà Pelosi viết trong bức thư.

"Các thay đổi này khiến khoản tiền cứu trợ trở thành một quĩ bất chính của chính quyền Trump và họ 'có thể' cấp hoặc giữ lại chứ không phải chắc chắn tài trợ cho một kế hoạch xét nghiệm nghiêm ngặt để tiêu diệt virus", bà Pelosi nhấn mạnh.

Chủ tịch Hạ viện cho biết Nhà Trắng đã loại bỏ 55% nội dung mà Đảng Dân chủ Hạ viện đề xuất trong Dự luật Heroes về chương trình xét nghiệm và tra dấu dịch tễ bệnh nhân, dù chính quyền ông Trump hứa sẽ chấp thuận đề xuất của Đảng Dân chủ mà không chỉnh sửa nhiều.

"Đặc biệt đáng thất vọng khi Nhà Trắng loại bỏ các biện pháp có thể giải quyết tác động nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đối với cộng đồng người da màu", bà Pelosi nêu rõ.

Ở diễn biến khác, Đảng Dân chủ Hạ viện đã bác bỏ đề xuất cứu trợ 1.800 tỉ USD của ông Trump. Hai bên bất đồng về một số vấn đề chính sách lớn như tài trợ cho chính quyền bang và địa phương, cứu trợ cho doanh nghiệp trong đại dịch,...

Ngay cả khi bà Pelosi và ông Mnuchin có thể đạt được một thỏa thuận, nhiều thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa vẫn phản đối một gói cứu trợ lên đến 2.000 tỉ USD.

Ngày 21/10 tới, Thượng viện dự kiến sẽ biểu quyết về gói cứu trợ kinh tế khiêm tốn 500 tỉ USD. Tháng trước, Đảng Dân chủ Hạ viện từng chặn đứng một đề xuất cứu trợ 500 tỉ USD và nhiều khả năng sẽ tiếp tục bác bỏ đề xuất mới nhất vì ngân sách mà Thượng viện đưa ra quá eo hẹp.

Khả Nhân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.