Chủ tịch FiinGroup: Tăng trưởng GDP bình thường trở lại từ 2024 nhưng có nhiều thách thức lớn
Tại Hội nghị Cấp cao Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VNIDA) năm 2023 tổ chức ngày 17/11, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, đã đưa ra dự báo về những động lực tăng trưởng và rủi ro cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Theo ông, các yếu tố nền tảng và động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt nam 2024 cơ bản được đánh giá thuận lợi. Sau mức tăng trưởng rất thấp nửa đầu năm 2023, GDP của Việt Nam được IFM dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 4,7% cả năm 2023 và năm 2024 lên mức 5,8% với giả định rằng các thách thức với thị trường bất động sản được xử lý hoặc hấp thụ, tín dụng được nới lỏng nhất định và cầu về xuất khẩu dần khôi phục trở lại.
Lạm phát được dự báo đạt đỉnh 4,9% vào tháng 1/2023 và sau đó giảm trong các tháng sau đó. Tỷ giá cơ bản ổn định trước áp lực của tài khoản vốn và dự trữ ngoại hối đang tăng trở lại cộng với CPI toàn phần và CPI lõi hiện xung quanh 3,5% và tạo tiền đề tốt cho dư địa chính sách năm 2024.
Về thị trường xuất khẩu, ông cho biết xuất khẩu hồi phục từ tháng 10/2023 với tổng giá trị xuất khẩu 32,3 tỷ đô tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ trong khi giảm nhiều tháng trước đó. Nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt mặc dù dệt may, da giày, gỗ... phục hồi còn chậm.
Vị chuyên gia này dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh do tổng cầu của các thị trường chủ đạo dự kiến cải thiện khi các nền kinh tế đã gần như hết chu kỳ tăng lãi suất mặc dù vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như hiện nay một thời gian.
Hơn 60% xuất khẩu đến Mỹ, Trung Quốc (bao gồm Đài Loan và Hong Kong) và châu Âu, cùng sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp nội địa bắt đầu từ tháng 10/2023 sau giai đoạn cầm chừng.
Thực tế xuất khẩu bởi doanh nghiệp nội địa đã tăng 15% trong khi FDI (với mặt hàng công nghệ chiếm phần lớn) chỉ tăng 3%. Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam (cả phía cung và phía cầu) diễn ra khá mạnh.
Tuy vậy, theo ông Thuân, xuất khẩu sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành. Xu hướng tiêu dùng thay đổi có thể ảnh hưởng đến dệt may và da giày. Thủy sản có thể tiếp tục gặp khó vì chưa thể gỡ bỏ thẻ vàng vào EU và cạnh tranh về giá gay gắt từ Ấn Độ và Ecuador... nhưng các ngành có thể tăng mạnh tiếp tục như nông sản, công nghệ và hóa chất.
“Nhiều trường phái khác nhau nhưng cơ bản đồng thuận Châu Âu sẽ hồi phục và Mỹ sẽ duy trì tăng trưởng thấp. Riêng Trung Quốc được dự báo vẫn tăng trưởng thấp và thậm chí tình huống thấp GDP có thể chỉ tăng trưởng dưới 3% nếu như vấn đề của thị trường bất động sản của nước này tiếp tục kéo dài sang năm 2024”, ông Thuân dẫn theo S&P Global Ratings.
Chuyên gia của FiinGroup cho rằng giải ngân đầu tư FDI sẽ tiếp tục cải thiện khi đang hồi phục và kỳ vọng từ dịch chuyển từ Trung Quốc và các nhóm nhà đầu tư truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Trong khi đó, dư địa giải ngân đầu tư công vẫn còn lớn nhờ nợ công/GDP thấp (khoảng 38%) và sự quyết liệt của Chính phủ.
Đồng thời, ông cũng nêu ra ba thách thức mà đầu tư công phải đối mặt. Thứ nhất đến từ việc chủ yếu tập trung vào dự án hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt đô thị… đang bị điểm nghẽn từ nguyên vật liệu như cát, đất san lấp…Vấn đề cố hữu là giải phóng mặt bằng do đó tốc độ giải ngân là một vấn đề tiếp tục cho năm 2024.
Thứ hai là tác động lan tỏa còn thấp mặc dù về dài hạn có ý nghĩa lớn. Thực tế, nhóm các công ty xây dựng có hiệu quả lợi nhuận còn rất hạn chế.
Theo ông Thuân, cầu tiêu dùng nội địa đang hồi phục nhưng vẫn còn yếu do vấn đề việc làm và lãi suất tiết kiệm thấp. Lý do tác động đến cầu tiêu dùng/ bán lẻ là môi trường lãi suất tiết kiệm thấp và hạn chế tín dụng dẫn đến chi tiêu giảm; thu nhập bị ảnh hưởng, một phần vì hệ lụy cắt giảm đơn hàng xuất khẩu và hệ lụy từ những diễn biến tiêu cực gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, tỷ giá cơ bản được dự báo ổn định nhờ cán cân thanh toán Việt Nam cải thiện hiện có dư địa để nới lỏng tài khóa và tiền tệ một cách chọn lọc. Cụ thể là tăng trưởng tín dụng dựa trên cấp độ rủi ro và triển vọng ở nhiều nhóm ngành phục vụ xuất khẩu và cầu tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, còn nhiều ẩn số bao gồm địa chính trị toàn cầu, xu hướng lãi suất quốc tế và xác suất suy thoái của các nền kinh tế là đối tác của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Rủi ro nội tại đối với nền kinh tế Việt Nam và ngành tài chính lớn nhất là triển vọng thị trường bất động sản và lây chéo sang nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng. Yếu tố cần theo dõi là khi nào các chủ đầu tư giảm giá bất động sản và tháo gỡ pháp lý được triển khai trên diện rộng, Chủ tịch FiinGroup cho biết.