|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Indonesia đứng thứ 4 thế giới về hút FDI lĩnh vực xe điện, Thái Lan nhiều tham vọng, Việt Nam đang ở đâu?

09:00 | 19/11/2023
Chia sẻ
Indonesia đặt mục tiêu thành trung tâm sản xuất pin xe điện toàn cầu, Thái Lan tham vọng là trung tâm sản xuất xe điện ở Đông Nam Á để thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này của Việt Nam vẫn khiêm tốn.

FDI vào xe điện sôi động ở ASEAN

Báo cáo đầu tư ASEAN năm 2022, do Ban Thư ký ASEAN và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) phát hành cho biết bất chấp đại dịch, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực ô tô điện vẫn rất sôi động ở khu vực ASEAN. Thu hút đầu tư nước ngoài khá đa dạng từ khai thác niken, xây nhà máy luyện kim đến sản xuất pin xe điện hay xây các trung tâm R&D.

Các khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng xe điện dự báo sẽ tiếp tục tăng vì hầu hết các nước ASEAN đang khuyến khích phát triển hệ sinh thái xe điện và hướng tới nền kinh tế thân thiện với môi trường.

Báo cáo cũng lưu ý rằng sản xuất pin xe điện chiếm tỷ trọng đáng kể trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực ASEAN trong giai đoạn từ 2019 - 2021, đặc biệt là ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Một số dự án FDI lớn đáng chú ý phải kể đến khoản đầu tư 8 tỷ USD của Foxconn vào Indonesia trong quý III/2022 để sản xuất xe điện và pin. Cùng năm, lĩnh vực xe điện của Indonesia cũng đón khoản đầu tư từ Contemporary Amperex Technology Co., Limited (CATL) – một công ty Trung Quốc.

Với Thái Lan, năm 2021 nước này cũng có dự án xây nhà máy sản xuất pin Lithium hơn 1 tỷ USD từ công ty Evlomo (Mỹ). Đầu tháng 2/2022, Foxconn hợp tác với tập đoàn năng lượng Thái Lan đầu tư tổng cộng 1-2 tỷ USD để bắt đầu sản xuất xe điện tại Thái Lan từ năm 2024.

Indonesia đứng thứ 4 thế giới về hút FDI lĩnh vực xe điện

Trong khu vực, cái tên nổi bật nhất trong hút FDI lĩnh vực xe điện phải kể đến Indonesia. Theo dữ liệu từ fDi Markets, năm 2022, quốc gia này đứng thứ 4 thế giới với 8 tỷ USD, xếp sau Mỹ, Hungary và Mexico.   

Dữ liệu các năm cũng cho thấy các khoản đầu tư vào lĩnh vực này của Indonesia đã tăng đáng kể. Năm 2019, Indonesia hút 2 tỷ USD vốn FDI vào xe điện và các hoạt động liên quan. Khoản này tăng lên 5,1 tỷ USD năm 2020; đạt 1,11 tỷ USD vào năm 2021 trước khi tăng vọt lên mức kỷ lục năm 2022.

 

 

Indonesia có trữ lượng dồi dào về đồng, nickel, cobalt và bauxite – những vật liệu cần thiết để sản xuất pin xe điện. Theo ASEAN Briefing, Indonesia là nước xuất khẩu niken lớn nhất thế giới và chiếm 22% trữ lượng kim loại này toàn cầu. Lợi thế này giúp tăng sức hấp dẫn của Indonesia trong thu hút đầu tư vào xe điện.

Mục tiêu trở thành trung tâm pin xe điện toàn cầu của Indonesia dường như gặp nhiều thuận lợi trong những năm gần đây, thể hiện bởi việc các nhà sản xuất ô tô châu Á như Toyota và Huyndai đã đầu tư hàng tỷ USD mở rộng cơ sở sản xuất xe điện ở Indonesia.

Chính phủ nước này cũng nỗ lực mời gọi những công ty như Tesla đến đầu tư với hy vọng xây dựng trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng cho xe điện bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên phong phú của đất nước.  

Thái Lan tham vọng là trung tâm sản xuất xe điện ở Đông Nam Á 

Thái Lan - thiên đường xe điện ở Đông Nam Á, sau nhiều năm hạn chế về dòng vốn đầu tư nước ngoài dường như đang bắt kịp cuộc đua hút FDI trong khu vực nhờ ưu thế trong ngành công nghiệp ô tô có thể áp dụng trong chuỗi cung ứng xe điện đang nổi lên.

Theo báo cáo mới đây, nhóm phân tích HSBC cho rằng Thái Lan đang tìm cách tái tạo dòng vốn FDI thông qua Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), một đặc khu kinh tế bao gồm ba tỉnh, với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp có đường cong chữ S – những ngành có mức độ công nghệ và đổi mới cao – đặc biệt là giá trị gia tăng cao như ô tô, điện tử thông minh, cũng như du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, các nhà chức trách đang thúc đẩy các chiến dịch phát triển ngành công nghiệp xe điện của Thái Lan. Được mệnh danh là “Detroit của châu Á” vào những năm 1990-2000, khi dòng vốn FDI liên quan đến ô tô từ Nhật Bản tràn vào Thái Lan, chính quyền Thái Lan có ý định tận dụng lợi thế so sánh của mình trong sản xuất ô tô và chuyển đổi sang sản xuất xe điện.

Ví dụ, Thái Lan đã đưa ra các ưu đãi hào phóng cho các nhà sản xuất xe điện, chẳng hạn như chương trình trợ cấp 24 tỷ THB (0,7 tỷ USD) cho các nhà sản xuất pin, cũng như cắt giảm 40% thuế đối với xe điện nhập khẩu và giảm giá 70.000 - 150.000 THB cho người mua. Kết quả là, điều này đã thu được một số thành quả, với nguồn vốn FDI tăng nhanh chỉ trong nửa đầu năm 2023.

 

Nikkei Asia mới đây đưa tin Thái Lan đang lên kế hoạch trợ cấp mua xe điện sản xuất trong nước lên tới 100.000 baht (2.760 USD) mỗi ô tô từ năm 2024 đến năm 2027 khi nước này cố gắng định vị mình là trung tâm sản xuất xe điện ở Đông Nam Á để thu hút đầu tư nước ngoài.

“Hoạt động nghiên cứu và phát triển xe điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vì Thái Lan muốn tăng cường khả năng cạnh tranh của mình”, ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) nói.

Ông cho biết các khoản giảm thuế và trợ cấp sẽ được áp dụng đối với các nhà sản xuất ô tô cam kết đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Thái Lan và sẽ có thêm các ưu đãi nếu họ chuyển trụ sở khu vực sang quốc gia “chùa Vàng”.

Nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã cam kết đầu tư 1,44 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất xe mới ở Thái Lan, trong đó hãng xe điện đình đám BYD đầu tư gần 500 triệu USD để sản xuất 150.000 xe điện mỗi năm tại đây.

Đối thủ của BYD, Great Wall Motor, hồi tháng 5 cho biết họ đang xem xét thành lập một trung tâm R&D ở Thái Lan để có thể phát triển xe bán tải chạy bằng pin, trụ cột của thị trường ô tô Thái Lan.

FDI vào lĩnh vực xe điện của Việt Nam còn khiêm tốn

So sánh với Indonesia và Thái Lan, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này của Việt Nam còn khiêm tốn.

Dự án gần nhất phải kể đến Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh tổng vốn đầu tư đăng ký hon 4.750 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Tiến độ thực hiện dự án được nhà đầu tư cam kết là trong 18 tháng. Dự kiến tháng 1/2025, dự án sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất chính thức. 

Một thông tin tích cực nữa là hồi đầu năm, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm các công ty luật hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện, pin lithium và công nghiệp sạch đã tới tỉnh Vĩnh Phúc để khảo sát thị trường, nghiên cứu đầu tư.

Quay trở lại tình hình thu hút FDI của Việt Nam, thực tế, vốn đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào sản phẩm điện tử. Xuất khẩu hàng điện tử đã đạt mức cao kỷ lục 100 tỷ USD trong năm 2021, chiếm hơn 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam; vào 20 năm trước, tỷ trọng này chỉ chiếm 5%.

Sự thành công trong lĩnh vực công nghệ phần nhiều là nhờ vào nguồn FDI nhiều năm của Samsung tại Việt Nam kể từ cuối những năm 2000. Với tổng đầu tư khoảng 18 tỷ USD trong những năm qua, Samsung hiện nay sở hữu tám nhà máy và một trung tâm R&D tại Việt Nam, bao gồm hai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, cung cấp phân nửa sản lượng điện thoại thông minh và máy tính bảng của hãng.

Sau sự thành công của Samsung, những người khổng lồ công nghệ khác, như Google và LG cũng chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam. 

Việt Nam hiện cũng đang nỗ lực thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Phát triển ngành bán dẫn được nhắc đến nhiều sau khi Việt Nam - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong tuyên bố chung, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời "ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam".

Tuyên bố nhắc đến việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai. 

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 9, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã ký hợp tác với một số tập đoàn Mỹ về thúc đẩy năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm và đào tạo nhân lực sản xuất chip bán dẫn.  

Ngoài ra, Synopsys cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Truyền thông Việt Nam, hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn.      

Ngày 31/10, Reuters đưa tin Việt Nam đang thảo luận với các công ty sản xuất chip, mục tiêu mở nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực này.   

Anh Đào

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.