Ngành công nghiệp bán dẫn ASEAN: Tiềm năng của Malaysia và sự cạnh tranh đến từ Việt Nam
Malaysia - nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới
Ở khu vực, cái tên nổi bật nhất trong thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn là Malaysia. Báo cáo của Maybank Investment Bank cho biết lĩnh vực bán dẫn chiếm một phần đáng kể trong các khoản đầu tư trong hai năm 2021 và 2022 và chiếm 81% tổng vốn FDI được phê duyệt vào năm 2021, vượt xa mức trung bình hàng năm là 38%.
Theo South China Morning Post (SCMP), Malaysia là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đã xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong 50 năm qua và hiện cung cấp khoảng 13% nhu cầu về đóng gói và thử nghiệm.
Intel, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới và là một trong những công ty tiên phong trong ngành bán dẫn của Malaysia năm 2021 từng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 30 tỷ ringgit (6,8 tỷ USD) trong 10 năm để mở rộng hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip tại đây.
Nikkei mới đây cũng đánh giá Malaysia từ lâu đã là quốc gia hùng mạnh trong khâu đóng gói và thử nghiệm chip, đồng thời hiện là nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới.
Hồi tháng 8, ông lớn ngành sản xuất bán dẫn Infineon Technologies AG của Đức cho biết dự kiến đầu tư 5,47 tỷ USD trong 5 năm để xây dựng nhà máy sản xuất tấm silic carbide (SiC) lớn nhất thế giới ở Malaysia.
Còn hiện tại, công ty con của AMD tại Malaysia, TF AMD Microelectronics đang trong quá trình khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 452 triệu USD tại vùng đảo Penang nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây Malaysia.
Trong báo cáo vừa công bố vào tháng 10, HSBC đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn là trung tâm của thế mạnh sản xuất của Malaysia. Những năm gần đây, nước này giành được thị phần đáng kể ở một số chất bán dẫn nhờ dòng vốn công nghệ ổn định, chủ yếu từ Mỹ và châu Âu.
Điều này được phản ánh rõ ràng nhất tại một số phần của phân ngành mạch tích hợp (IC), với thị phần tăng đột biến đạt gần 45% chỉ sau một năm. Chip xử lý và chip khuếch đại mỗi loại cũng chiếm 10% thị phần thế giới.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Việt Nam
Trong bài viết mới đây, SCMP cho rằng Malaysia nhiều tham vọng nhưng có thể không giành được thị phần lớn như mong muốn, đặc biệt là với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.
"Các nhà đầu tư đang đổ về Việt Nam thành lập các nhà máy sản xuất để tận dụng các chính sách ưu đãi từ Chính phủ", SCMP cho hay.
Tờ nhật báo này nhấn mạnh mặc dù ngành bán dẫn của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu nhưng Việt Nam có đủ tố chất để vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh.
Ông Alberto Vettoretti, chuyên gia phân tích Công ty tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates, cho rằng Việt Nam ở vị thế thuận lợi để thu hút các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc nhờ chính trị ổn định, chi phí lao động cạnh tranh và vị trí gần Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra các chính sách miễn thuế cạnh tranh cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và đề nghị trợ cấp tới 15% chi phí đào tạo cho các công ty. Những chính sách này cho thấy Chính phủ rất quyết tâm trong phát triển sản xuất công nghệ cao.
Ngoài ra, Việt Nam còn có 13 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia khác nhau. Điều này rất hấp dẫn đối với các nhà sản xuất. Trong khi đó, Malaysia chỉ có 7.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2027.
Nhiều năm qua, Việt Nam thu hút được một số tập đoàn lớn đầu tư sản xuất chip bán dẫn như Intel, Samsung, Synopsys và mới đây là Amkor.
Hồi tháng 3, Samsung cho biết đã tăng vốn vào nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, đồng thời đang nghiên cứu đầu tư sản xuất lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2023.
Trong năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ trình Chính phủ chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Phát triển ngành bán dẫn được nhắc đến nhiều sau khi Việt Nam - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong tuyên bố chung, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời "ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam".
Tuyên bố nhắc đến việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 9, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã ký hợp tác với một số tập đoàn Mỹ về thúc đẩy năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm và đào tạo nhân lực sản xuất chip bán dẫn.
Ngoài ra, Synopsys cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Truyền thông Việt Nam, hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Ngày 31/10, Reuters đưa tin Việt Nam đang thảo luận với các công ty sản xuất chip, mục tiêu mở nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực này.
Ba khâu cơ bản để sản xuất chip gồm thiết kế, sản xuất và đóng gói. Việt Nam chưa tham gia vào khâu sản xuất do chưa có nhà máy nào mà chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.
Tại hội nghị công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) chiều 29/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập đến nhiều lợi thế của Việt Nam trong phát triển hệ sinh thái bán dẫn, như lực lượng lao động trong lĩnh vực kỹ thuật dồi dào, nhiều đơn vị đào tạo, doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác phát triển ngành.
Hơn nữa, Việt Nam có ba khu công nghệ cao với đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng để đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn.
Bộ trưởng cho biết các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Thách thức của Việt Nam và Malaysia
Malaysia - nước vốn đã có ngành sản xuất chất bán dẫn phát triển không phải không gặp thách thức. Khó khăn của Malaysia nằm ở câu chuyện nâng cấp chuỗi cung ứng, trong khi sức cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng tăng.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia (MSIA), bên cạnh các khoản đầu tư của Intel và TF-AMD, các công ty khác đang tăng cường cơ sở đóng gói và thử nghiệm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi ngày càng có nhiều nhà máy chế tạo tấm bán dẫn được xây trên toàn cầu.
MSIA cho hay việc mở rộng năng lực đóng gói và thử nghiệm chip bán dẫn của Malaysia là “điều hiển nhiên” nếu nước này ít nhất muốn duy trì thị phần toàn cầu. Quốc gia này dự kiến tăng tổng giá trị xuất khẩu chất bán dẫn lên khoảng 1.2000 tỷ ringgit vào năm 2030, gấp đôi so với gần 600 tỷ ringgit đạt được vào năm 2022.
Lý do phát triển khâu đóng gói và thử nghiệm, theo cơ quan này, là để phục vụ cho khoảng 100 nhà máy chế tạo tấm bán dẫn được xây trên khắp thế giới trong tương lai.
Tuy nhiên, việc thu hẹp trọng tâm, chỉ tập trung vào đóng gói và thử nghiệm sẽ bỏ lỡ cơ hội nâng cấp chuỗi cung ứng, cụ thể là tham gia vào chế tạo tấm nền silicon (wafer) - khâu quan trọng nhất và mang lại nhiều giá trị nhất trong sản xuất chip bán dẫn.
MSIA cho rằng Malaysia nên đặt mục tiêu thu hút ít nhất một nhà máy chế tạo wafer tầm trung, việc này có thể têu tốn 4 - 8 tỷ USD và nếu làm được điều này, Malaysia sẽ hoàn thiện chuỗi cung ứng chất bán dẫn của mình.
Với Việt Nam, thách thức trước mắt là thiếu hụt nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc tại lĩnh vực bán dẫn. Trong khi đó, ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất lượng rất cao.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ vừa được Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.
Qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ đề xuất 3 trụ cột trong chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn gồm đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học; đào tạo kỹ sư, người lao động và thứ ba là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam.