|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Digiworld nói gì về quyết định trở thành cổ đông lớn Viettel Construction?

14:40 | 03/11/2023
Chia sẻ
Ông Đoàn Hồng Việt đánh giá Viettel Construction công ty tốt. Ngoài xem đây là khoản đầu cá nhân, ông cũng nghĩ tới sự kết hợp nào đó giữa hai đơn vị.

Chủ tịch Digiworld chia sẻ về việc mua hàng triệu cổ phiếu CTR

Sau thông tin nhóm nhà đầu tư đại diện là ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld (Mã: DGW) gom cổ phiếu CTR và trở thành cổ đông lớn của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction), nhà đầu tư của đơn vị phân phối điện tử hàng đầu Việt Nam đã đặt câu hỏi về khả năng hợp tác giữa hai đơn vị này.

Với câu hỏi được đặt ra, người đứng đầu của Digiworld cho biết đã mua 1,4 triệu cổ phiếu CTR vào ngày 22/9, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 2,46%. Công ty liên quan đến ông Việt là Công ty TNHH Created Future cũng mua 3 triệu cổ phiếu. Theo đó, tổng sở hữu nhóm cổ đông tăng lên 5,8 triệu đơn vị, tương ứng với 5,08% và trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp xây dựng.

Về Created Future, tổ chức này được thành lập năm 2014, người đại diện pháp luật là bà Tô Hồng Trang - vợ ông Đoàn Hồng Việt, còn ông Việt là Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Tại Digiworld, cá nhân ông Việt, bà Trang hay cá nhân khác trong gia đình không sở hữu trực tiếp cá nhân mà thông qua hai tổ chức là Công ty TNHH Created Future (32,8%) và Công ty TNHH MTV DHV (4,27%).

Nói về quyết định đầu tư, vị chủ tịch Digiworld đánh giá Viettel Construction là một công ty tốt, sở hữu lợi thế độc quyền trong mảng vận hành các trạm, hạ tầng viễn thông. Trong vòng 2 đến 3 năm tới, khi Việt Nam phát triển 5G, số lượng trạm viễn thông có thể tăng gấp 4 lần, do bước sóng của 5G ngắn hơn 4G nên sẽ đòi hỏi số trạm nhiều hơn.

Với triển vọng ngắn hạn, mảng kinh doanh chính tăng nhanh như trên, Digiworld cũng khó bằng được Viettel Construction. Về dài hạn, ông Việt nhận thấy có nhiều cơ hội cho Digiworld, ví dụ như việc Viettel Construction hiện có đến 11.000 nhân viên trải khắp tỉnh thành. Vì vậy, ngoài việc xem đây là khoản đầu tư cho cá nhân, ông Việt cũng nghĩ tới sự kết hợp nào đó giữa hai đơn vị.

Lợi nhuận quý III giảm 43%, tiếp tục bổ sung nhiều nhãn hãng mới

Về kết quả kinh doanh quý III của Digiworld, đại diện công ty cho biết tổng doanh thu ghi nhận 5.413 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 43% về 102 tỷ đồng.

 Kết quả kinh doanh quý III. Nguồn: X.N chụp màn hình.

Về cơ cấu doanh thu, hai mảng đem lại doanh thu cao nhất cho DGW là máy tính, máy tính bảng và điện thoại di động, với lần lượt 2.398 tỷ đồng và 1.774 tỷ đồng. So với cùng kỳ, doanh thu hai mảng này giảm lần lượt 2% và 26%. Công ty chỉ ra doanh thu điện thoại giảm do vào mùa thấp điểm, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu để chuẩn bị thay mới vào quý IV và nguồn cung iPhone 15 tốt hơn.

Ngành hàng đồ gia dụng cũng thu hẹp 20% doanh thu so với quý III năm trước, về 163 tỷ đồng. Nguyên nhân là ảnh hưởng xu hướng hạn chế chi tiêu và thị trường bất động sản ảm đạm. Ngược lại, việc tham gia phân phối sản phẩm bia cao cấp, sữa, nước trái cây... giúp hàng tiêu dùng có mức tăng 78% lên 171 tỷ đồng.

Theo chiến lược mở rộng theo chiều ngang, công ty dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm mới trong các ngành hàng trong quý IV và 2024. Mảng điện thoại di động có thêm thương hiệu ZTE (thuộc phân khúc giá rẻ), TCL. Trong mảng thiết bị gia dụng là điều hòa, tủ lạnh phân khúc giá rẻ của thương hiệu Xiaomi.

Thiết bị văn phòng sẽ có thương hiệu Belkin với các sản phẩm như tai nghe, cáp sạc. Ngành hàng tiêu dùng, công ty sẽ bắt tay với thương hiệu Mitsuei của Nhật Bản tại sản phẩm nước rửa tay, sữa tắm, chất tẩy rửa trong nhà bếp...

Chiến lược phát triển nhãn hàng. Nguồn: X.N chụp màn hình.

Xuân Nghĩa