Cổ phiếu dầu khí miễn nhiễm với tin kết quả kinh doanh và khởi công Lô B - Ô Môn
Cổ phiếu quay đầu giảm 10 - 20% từ đỉnh dù kết quả quý III khởi sắc
Dầu khí là một trong những nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường, với các đại diện như BSR, GAS, PLX hay PVD. Cùng với sự khởi sắc của kết quả kinh doanh và bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi trong những tháng đầu năm, cổ phiếu trong ngành đã có nhịp tăng khả quan, đạt đỉnh trong tháng 8 – 9.
Tuy nhiên, khi thị trường đảo chiều, VN-Index liên tục đánh rơi các mốc 1.200 điểm và 1.100 trong tháng 9 và tháng 10, nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận đảo chiều.
Tính từ đỉnh giá trong quý III đến hết tháng 10, các mã có mức giảm sâu kể đến như PLX (22%), PVD (18%), PVS (17%), GAS (16%), PVC (15%)... Đặc biệt, PSH của Dầu khí Nam Sông Hậu giảm giá đến 45%.
Diễn biến giá cổ phiếu dầu khí gần đây đi ngược với kết quả kinh doanh quý III vừa được công bố. Nhóm dầu khí thuộc số ít lĩnh vực tăng trưởng lợi nhuận quý vừa qua. Trạng thái tích cực nhất xuất hiện ở nhóm doanh nghiệp hạ nguồn (BSR, PLX, OIL, CNG).
Xét 33 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III, tổng doanh thu thuần giảm 5%, song lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ thu được gấp đôi cùng kỳ năm trước, lần lượt ghi nhận gần 187.000 tỷ đồng và trên 7.400 tỷ đồng.
Đóng góp nhiều nhất cho sự khởi sắc của ngành là Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR). Công ty báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 3.260 tỷ đồng, gần gấp 7 lần cùng kỳ năm trước, đồng thời là kết quả tốt nhất trong 5 quý.
Doanh thu của đơn vị lọc dầu đạt 37.756 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm nhanh hơn (giảm 13%) giúp lãi gộp đạt 3.831 tỷ đồng, gần gấp 6 lần quý III/2022. Biên lãi gộp quý III đạt 10,1%.
Petrolimex (Mã: PLX) cũng có quý kinh doanh khả quan. Doanh thu thuần đạt 72.414 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cải thiện từ 3,8% cùng kỳ lên 5,2% quý này. Doanh thu tài chính đạt gần 1.189 tỷ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ lãi bán các khoản đầu tư, lãi tiền gửi tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 738 tỷ đồng, gấp 7,4 lần quý III/2022.
Tăng trưởng lợi nhuận quý III của ngành dầu khí còn đến từ việc một số đơn vị đã chuyển từ lỗ sang lãi, điển hình như PV Oil (Mã: OIL), PV Drilling (Mã: PVD), Thanh Lễ (Mã: TLP)...
Chiều ngược lại, kéo giảm kết quả kinh doanh quý III nhiều nhất chính là PV Gas (Mã: GAS) khi lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 23%, tương đương giảm 712 tỷ đồng so với cùng kỳ về 2.377 tỷ đồng. Một số đại diện cũng giảm lãi kể đến như PTSC (Mã: PVS) (giảm 27%), PV Trans (Mã: PVT) (giảm 8%)...
Tổng quan quý III năm nay, nhóm 33 doanh nghiệp dầu khí có 20 đơn vị tăng lãi (bao gồm 10 đơn vị chuyển lỗ sang lãi), 11 đơn vị giảm lãi và 2 đơn vị tiếp tục lỗ là PV Coating (Mã: PVB) và Dầu khí An Pha (Mã: ASP).
Triển vọng cổ phiếu dầu khí từ dự án Lô B - Ô Môn
Bức tranh kinh doanh quý III khởi sắc của ngành dầu khí đến từ việc hưởng ứng xu hướng giá dầu neo cao nhiều tháng, biên lãi gộp cải thiện, đồng thời là nền so sánh thấp của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh diễn biến giá dầu, sự chú ý với ngành dầu khí vẫn đang đặt tại đại dự án Lô B - Ô Môn.
Ngày 30/10, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức lễ ký kết và triển khai tại Hà Nội để khởi công dự án. Mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại khác nhau nhưng tin tức gần đây về sự kiện đã được đón nhận tích cực. Tại buổi lễ, liên danh nhà thầu PTSC-McDermott đã được trao gói thầu EPCI #1 với điều khoản giới hạn. Tổng giá trị của gói EPCI #1 ước tính có tổng giá trị là 1,1 tỷ USD.
SSI Research đánh giá đây là bước tiến đáng ghi nhận, thể hiện ý chí và cam kết của các bên liên quan đến dự án. Gói thầu EPCI #1 được trao thầu với điều khoản giới hạn, theo đó, liên doanh xây dựng PTSC-McDermott được phép thực hiện một số công việc chuẩn bị sớm cho hợp đồng EPC mặc dù chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID), với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ của gói thầu trong trường hợp nhà đầu tư đạt FID muộn hơn dự kiến. Trong trường hợp không đạt được FID, chi phí cho công việc ban đầu này sẽ do các nhà đầu tư chịu.
Hưởng lợi chính vẫn là những doanh nghiệp thượng nguồn (PTSC, PV Drilling) và trung nguồn (PV GAS, PV Coating). Công ty đầu tiên được hưởng lợi sẽ là PTSC khi bắt đầu xây dựng gói EPCI #1 từ giữa năm 2024. Điều này sẽ thúc đẩy cả doanh thu và lợi nhuận mảng EPC của PTSC.
PV Drilling có thể cũng sẽ có cơ hội tham gia hoạt động khoan trong giai đoạn xây dựng và phát triển dự án trong dài hạn (23 năm kể từ khi có dòng khí đầu tiên). PV Coating có thể sẽ tham gia vào một số gói thầu bọc đường ống, trong khi PV Gas có thể sẽ được hưởng lợi khi dự án bắt đầu cung cấp khí cho các nhà máy điện.
Nhóm phân tích của Chứng khoán SSI duy trì quan điểm về đại dự án Lô B, trong trường hợp đạt FID sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho ngành dầu khí. Với nguy cơ thiếu điện, trong kịch bản cơ sở, các bên có thể sẽ thúc đẩy dự án bắt đầu vào năm 2024 mặc dù vẫn cần thêm thời gian để giải quyết những trở ngại hiện tại.