|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch ADB châu Á: Trung Quốc có đầy đủ công cụ để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande

16:32 | 30/09/2021
Chia sẻ
Các nhà chức trách Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng để ngăn chặn bất kỳ nguy cơ ảnh hưởng sâu rộng nào khi Evergrande, gã khổng lồ bất động sản của nước ngày đứng trước nguy cơ vỡ nợ, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á nhận định.

Công cụ chính sách của Bắc Kinh để giải quyết “bom nợ” Evergrande

Theo Reuters, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang bơm thanh khoản ngắn hạn vào các thị trường và Evergrande cũng có đủ tài sản nắm giữ để thanh toán các khoản nợ.

“Tôi không nghĩ rằng vấn đề của một công ty duy nhất sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu như cuộc khủng hoảng như khi Lehman Brothers sụp đổ gây ra”, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á Asakawa nói trong một cuộc họp trực tuyến. 

Lehman Brothers là tập đoàn chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 tại Mỹ trước đây. 

Tuy nhiên, theo ông thì hoàn cảnh của Evergrande cũng đã cho thấy những tác động tồi tệ của lạm phát giá tài sản, tương quan với tốc độ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. 

Những tai ương của nhà phát triển bất động sản là do bản thân nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bất động sản, giống như bong bóng lạm phát tài sản của Nhật Bản vào cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990.

Trung Quốc có đầy đủ “công cụ” để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande - Ảnh 1.

Nhiều công trình của Evergrande được cho là đang được thẩm định để bán lại cho các công ty khác. (Nguồn: Reuters)

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản khi “ông lớn” Evergrander vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố trên khắp Trung Quốc và các hộ gia đình vốn dựa vào tài sản bất động sản để vay nợ.

Ông Asakawa, người trước đây là nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản nhận định: “Chúng ta cần theo dõi các diễn biến một cách cẩn thận vì tác động đến tài chính của chính quyền khu vực và chi tiêu hộ gia đình của Trung Quốc là một vấn đề đáng lo ngại”.

Với khoản nợ 305 tỷ USD hiện nay, Evergrande đã làm dấy lên nguy cơ về việci các vấn đề của họ có thể lây lan qua hệ thống tài chính của Trung Quốc và gây tác động tiêu cực cho tài chính toàn cầu, mặc dù cho đến nay, thiệt hại vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản.

Ngoài ra, ông Asakawa cũng đánh giá rằng có nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ giảm tốc độ tăng trưởng xuống mức vừa phải từ năm 2022 do các vấn đề về cơ cấu như nợ khu vực công và tư nhân đang đè nặng lên nền kinh tế nước này. 

“Từ năm 2022 trở đi, Trung Quốc sẽ bắt đầu xu hướng tăng trưởng dài hạn vừa phải, sẽ không trở lại tốc độ mở rộng 7% - 8% như đã thấy trong thời kỳ tăng trưởng cao”, ông nói.

Trung Quốc yêu cầu các công ty quốc doanh mua tài sản của Evergrande

Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty quốc doanh (thuộc sở hữu của chính phủ) và các nhà phát triển bất động sản được nhà nước hậu thuẫn như China Vanke Co Ltd mua một số tài sản của China Evergrande Group.

Evergrande gánh với khoản nợ 305 tỷ USD, đang đứng trước bờ vực sụp đổ nhưng chính quyền trung ương khó có thể can thiệp trực tiếp để giải quyết cuộc khủng hoảng của họ dưới hình thức một gói cứu trợ. 

Tuy nhiên, các nhà chức trách hy vọng rằng việc mua bán tài sản sẽ ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm thiểu bất kỳ bất ổn xã hội nào có thể xảy ra nếu Evergrande thực sự rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Theo đó, một số doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ đã thực hiện thẩm định tài sản của Evergrande ở thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Thành phố Quảng Châu sắp mua lại sân vận động Guangzhou FC Soccer của Evergrande và các dự án khu dân cư xung quanh, một quan chức Trung Quốc giấu tên tiết lộ. 

Với chi phí khoảng 12 tỷ nhân dân tệ (1,9 tỷ USD), sân vận động này được thiết kế với sức chứa hơn 100.000 người, trở thành địa điểm lớn nhất thế giới được xây dựng cho bóng đá tính theo sức chứa. 

Người mua tiềm năng đối với các tài sản giá trị của Evergrande ở Quảng Châu đã được "sắp xếp" và "cân nhắc cả về chính trị và thương mại", quan chức này nói, thêm rằng các nhà chức trách không muốn chỉ thấy một vài công ty đấu thầu cho cùng một tài sản.

Evergrande và Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Thành phố Quảng Châu vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin này. 

Vanke và China Jinmao Holdings, các nhà phát triển bất động sản được chính phủ hậu thuẫn, cũng đã được yêu cầu mua tài sản từ Evergrande, các nguồn tin cho biết. China Resources Land cũng đã nhận được lời đề nghị. 

Vanke, công ty có 1/3 sở hữu nhà nước tại Thâm Quyến hồi tháng 8 từng tiết lộ rằng họ đã đàm phán với Evergrande về việc hợp tác trong các dự án khác nhau nhưng với tình hình hiện tại, Vanke cũng chưa đưa ra bất kỳ thông báo mới nào về thỏa thuận đó.

Evergrande đã chậm trả nợ 83,5 triệu USD tiền lãi cho các trái chủ ở nước ngoài vào tuần trước và có khoản nợ cần phải thanh toán 47,5 triệu USD đến hạn vào ngày 29/9. Bất chấp việc nhiều người kỳ vọng Evergrande có thể được tái cơ cấu trên quy mô lớn nhất ở Trung Quốc thì cho đến nay, triển vọng của một gói cứu trợ có vẻ như không khả quan.

Thu Phương