|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ nhà hàng lập liên minh chống phá sản

19:14 | 16/04/2020
Chia sẻ
Đến nay, Liên minh F&B Việt Nam thời COVID-19 đã có sự tham gia của gần 2.000 thành viên, trong đó có nhiều chuỗi nhà hàng lớn và quán ăn nhỏ lẻ.

Chị Nguyễn Hà Linh - Đồng sáng lập hệ thống 5 nhà hàng Bếp Thái Koh Yam gọi đây là giai đoạn tăng trưởng âm của ngành F&B, khi doanh nghiệp hụt thu từ hàng tỷ đến chục tỷ đồng nhưng vẫn phải chi trả hàng loạt chi phí khác.

Do đó, dù e ngại tiết lộ thông tin bí mật của doanh nghiệp, chị vẫn tin rằng cộng đồng F&B cần chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua COVID-19.

Hệ thống càng lớn, khó khăn càng nhiều

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bếp Thái Koh Yam đã chính thức đóng cửa toàn bộ 5 nhà hàng tại Hà Nội từ ngày 11/3, ngay sau đó dừng dịch vụ giao đồ ăn từ ngày 15/3.

“Đến nay, chúng tôi đã đóng cửa được 1 tháng, ước tính thiệt hại xấp xỉ 3 tỷ đồng doanh thu, cùng khoản chi phí vẫn phải chi trả cho tiền nhà, bảo vệ, giữ gìn vệ sinh định kỳ, và gần 200 nhân viên đang phải nghỉ không lương”, chị Nguyễn Hà Linh tâm sự.

Chủ nhà hàng lập liên minh chống phá sản - Ảnh 1.

Ngành F&B gặp khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19. Ảnh: Chí Hùng.

Theo anh Hoàng Quốc Khánh - Giám đốc Khối vận hành của Tập đoàn Golden Gate, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và đầu ra hạn chế như hiện nay, hệ thống chuỗi càng lớn thì khó khăn càng được phóng to gấp nhiều lần.

Hiện tại, phần lớn các nhà hàng của Golden Gate trên toàn quốc đã tạm dừng phục vụ trực tiếp theo chỉ thị từ Chính phủ. Tập đoàn nhanh chóng đẩy mạnh triển khai dịch vụ giao hàng tận nhà và cho mượn bếp nướng, lẩu miễn phí.

Tuy nhiên, về lâu dài, anh Hoàng Quốc Khánh cho biết sẽ nghĩ đến những mô hình sản phẩm, thương hiệu mới để phù hợp với nhu cầu của khách hàng nếu dịch bệnh còn kéo dài.

Ngay trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, nhiều thương hiệu cũng sáng tạo món ăn mới để thu hút khách hàng, như các loại bánh bao hải sản hay nước sốt đóng gói của chuỗi nhà hàng hải sản Vua Cua.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác lại tìm cách đẩy mạnh nguồn thu trong ngắn hạn. Tiêu biểu, The Coffee House tung ra chương trình “Gói tươi tỉnh”, trong đó người dùng có thể đặt mua cà phê theo các gói 3, 5 hoặc 7 ngày với mức giá ưu đãi và thanh toán trong một lần. Như vậy, khách hàng được duy trì thói quen uống cà phê mỗi ngày một cách tiện lợi, còn doanh nghiệp có thể bù đắp thiếu hụt dòng tiền nhất thời.

Hợp lực, chia sẻ để vượt khó

Những giải pháp thành công này đều được đại diện các doanh nghiệp chia sẻ cùng nhau trong Liên minh F&B Việt Nam thời COVID-19 - tập hợp của các doanh nghiệp F&B, đối tác cung cấp thực phẩm, quảng cáo, giao đồ ăn và các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực.

Tại đây, các thành viên cùng chia sẻ những vấn đề khó khăn, thắc mắc và nhận được tư vấn hữu ích từ chuyên gia hoặc các doanh nghiệp khác. Theo ghi nhận, vấn đề đang được các chủ doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất là cách quản lý tài chính, đàm phán miễn, giảm tiền thuê mặt bằng và phát triển hình thức giao hàng tận nhà hiệu quả.

“Chúng tôi đã lên ý tưởng xây dựng một liên minh F&B từ khá lâu, nhưng đến nay mới bắt tay vào thực hiện. Các chủ doanh nghiệp, nhân sự trong ngành đều hiểu và ủng hộ hết mình. Chúng tôi ý thức được rằng cần phải chủ động chung tay cứu lấy ngành, cứu lấy mình trước đại dịch”, ông Hoàng Quốc Khánh chia sẻ.

Chủ nhà hàng lập liên minh chống phá sản - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp trong ngành F&B cùng chia sẻ bí quyết để sống sót qua dịch bệnh và phát triển hậu COVID-19. Ảnh: Liên minh F&B Việt Nam thời COVID-19.

Mặc dù vậy, chị Nguyễn Hà Linh cho hay, “thực sự cũng có một số e ngại vì nhiều thông tin là bí mật của doanh nghiệp, không thể chia sẻ công khai”. Thực tế, trong một cộng đồng gồm nhiều đơn vị cùng cạnh tranh trong thị trường khốc liệt như F&B, việc tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau có thể sẽ không được đảm bảo.

Tuy nhiên, người đồng sáng lập Bếp Thái Koh Yam vẫn bày tỏ mong muốn liên minh này sẽ mang lại giá trị tích cực khi hỗ trợ thông tin về các dịch vụ liên quan, văn bản hướng dẫn, hay kinh nghiệm đảm bảo sức khỏe cho khách hàng và nhân viên, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thậm chí, kể cả khi dịch bệnh qua đi, ông Hoàng Quốc Khánh cho rằng ngành F&B có thể vẫn gặp phải những khó khăn khác. Do đó, ông hy vọng cộng đồng sẽ duy trì hoạt động lâu dài để tạo sự phát triển chung, bền vững cho toàn ngành.

“F&B là một ngành thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu cơ bản của xã hội. Vì vậy, nếu COVID-19 qua đi, tôi lạc quan cho rằng, các doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ này sẽ tăng trưởng trở lại sau 3 tháng”, chị Nguyễn Hà Linh nhận định.

Lan Anh

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.