Chốt giá bán khởi điểm Nhựa Bình Minh 96.500 đồng/cp
Lùi thời hạn đấu giá BMP sang 9/3, SCIC có thể sẽ thu thêm trên 300 tỷ đồng nếu bán được trọn lô | |
Nhà nước bán tiếp hơn 24 triệu cổ phần nhựa Bình Minh |
SCIC chào bán cổ phần BMP với giá khởi điểm 96.500 đồng/cp
Sau một thời gian dài chờ đợi, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo giá chào bán dự kiến cổ phần Nhà nước tại CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP). Theo đó giá chào bán dự kiến cổ phần Nhà nước tại Nhựa Bình Minh được chốt là 96.500 đồng/cp, ước tính SCIC thu về gần 2.300 tỷ đồng từ thoái vốn.
Hiện thị giá cổ phiếu BMP kết phiên sáng 28/2 đạt mức 94.100 đồng/cp, thấp hơn so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra.
Diễn biến giá cổ phiếu BMP trong ba tháng qua (Nguồn: VNDirect) |
Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đã công bố thông tin chào bán cạnh tranh cổ phần bổ sung của SCIC tại Nhựa Bình Minh.
Thời gian diễn ra đấu giá dự kiến là 14h30 ngày 9/3 tại HOSE nếu có từ hai nhà đầu tư đăng ký hợp lệ. Trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký hợp lệ thì thỏa thuận trực tiếp.
Thời hạn để các nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký sẽ kéo dài từ ngày 28/2 đến 16h00 ngày 8/3. Đối với nhà đầu tư nước ngoài phải có tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng VNĐ, mã số giao dịch chứng khoán do VSD cấp và tài khoản giao dịch chứng khoán.
Về mức giá đặt mua, phải đảm bảo không thấp hơn giá khởi điểm công bố ngày 28/2 và giá sàn của cổ phiếu BMP tại ngày giao dịch 9/3 do HOSE công bố. Trong trường hợp giá sàn tại ngày 9/3 cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, nhà đầu tư vẫn có lựa chọn hủy đăng ký tham dự chào bán trước lúc hết hạn đăng đăng ký, là đến 16h00 ngày 8/3.
Nếu giao dịch cổ phần thành công, nhà đầu tư sẽ phải thanh toán bằng VNĐ, trong vòng 7 ngày làm việc tính từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng (T+7 tức là ngày 20/3).
Được biết, SCIC đăng ký chào bán gần 24,16 triệu cổ phần BMP tương ứng 29,51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành. Nhà đầu tư tham gia được đăng ký mua tối thiếu 20.000 cổ phần và tối đa là toàn bộ số cổ phần mang ra đấu giá.
Nhà đầu tư tham gia mua phải đặt cọc bằng 10% giá trị đăng ký mua tính theo giá khởi điểm.
Nawa Plastic sẽ là cổ đông chiến lược của BMP?
Xét về cơ cấu, hiện cổ đông NawaPlastic Industries (Thái Lan) đang nắm 20,4% cổ phần BMP (tương đương 16,7 triệu cổ phiếu).
Trong một báo cáo của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) về Nhựa Bình Minh cho rằng Nawa Plastic đang muốn chuẩn bị tiền để mua cổ phần BMP từ SCIC thông qua động thái bán hơn 21 triệu cổ phiếu Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP) vào cuối tháng 9/2017.
Số tiền bán cổ phần NTP của Nawa là khoảng 1.574 tỷ đồng trong khi giá trị thị trường số cổ phần BMP của SCIC là khoảng 1.839 tỷ đồng. HSC đánh giá có vẻ Nawa là người mua tiềm năng nhất đối với số cổ phần của SCIC.
Nếu mua thành công, Nawa sẽ nắm 49,92% cổ phần BMP. Và Nawa có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên tỷ lệ cổ phần kiểm soát bằng việc việc mua thêm cổ phiếu thông qua phương thức khớp lệnh trên thị trường hoặc mua thỏa thuận.
Được biết, Siam Cement Group (SCG) là công ty mẹ của TPC và TPC nắm giữ Nawaplastic. SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam.
Hiện SCG sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và từ lâu đã muốn có thêm một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa với mạng lưới phân phối tốt tại Việt Nam. Và ở đây chỉ có 2 lựa chọn để mua vào là BMP và NTP. Tuy nhiên sau khi thoái vốn tại NTP thì hiện Nawaplastic có lẽ chỉ xem xét BMP.