|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chồng bà Trương Mỹ Lan đã giúp sức như thế nào?

11:30 | 19/11/2023
Chia sẻ
Theo cơ quan cảnh sát điều tra, ông Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan đã ký các thủ tục họp thức đưa Tòa nhà Times Square để đảm bảo cho 46 khoản vay khống, gây thiệt hại cho ngân hàng gần 39.218 tỷ đồng.

Theo tài liệu điều tra, ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ), chồng bà Trương Mỹ Lan, là cổ đông chiếm 99,26% cổ phần và là Chủ tịch Hội đồng quản trị, giữ vai trò quyết định cao nhất tại CTCP Đầu tư Times Square, được bà Lan trao đổi, đề nghị lấy tài sản Dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định tại Ngân hàng SCB.

Ông Cơ cùng với bà Lan tham gia điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án Tòa nhà Times Square, với chức năng là Khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và các công trình dịch vụ tại khu đất 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Ông Cơ đã đồng ý, thống nhất với bà Lan để ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết Công ty Times Square chấp thuận thế chấp và gia hạn thế chấp cho các khoản vay do bà Lan đề nghị tại Ngân hàng SCB.

Ông Chu Lập Cơ thừa nhận ký các thủ tục bảo đảm khoản vay theo đề nghị của bà Lan. Ông Cơ cũng không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn; không có nhu cầu vay nhưng vẫn ký các thủ tục, hợp thức hóa hồ sơ vay vốn cho bà Lan, gây thiệt hại đối với SCB số tiền gốc, lãi 39.218 tỷ đồng.

Các cá nhân này là lao động tự do hoặc nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có người nhà, người quen làm việc tại Ngân hàng SCB nhờ đứng tên khoản vay. Sau đó các cá nhân này được gọi đến SCB để ký khống hồ sơ, thủ tục vay vốn; họ không có nhu cầu vay vốn thật, không biết phương án vay vốn, không được nhận tiền giải ngân, không có mối liên hệ với Công ty Times Square. Việc đứng tên khống các khoản vay, các cá nhân này được trả tiền công từ 15 đến 40 triệu đồng/năm.

Ông Cơ nhận thức rõ, việc ký các Biên bản, Nghị quyết của Công ty Times Square là thủ tục bắt buộc, mới đủ điều kiện pháp lý để thế chấp, vay vốn tại Ngân hàng SCB.

Tài liệu điều tra thể hiện, căn cứ vào các Biên bản họp và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông Công ty Times Square, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square thực hiện các thủ tục lập các hồ sơ vay vốn “khống” để giải ngân cho 73 khoản vay khống của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là hơn 29.441 tỷ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm.

Đến năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được nợ, do phương án vay vốn là lập khống, khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc, lãi, nên ông Cơ chủ tọa, ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông Công ty Times Square Việt Nam ngày 15/8/2017, nội dung tiếp tục dùng tài sản tại Dự án Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay các khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB, với dư nợ vay được bảo đảm tối đa gần 35.542 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 17/10/2022, còn 46 khoản vay của 46 khách hàng còn dư nợ gốc gần 19.553 tỷ đồng; nợ lãi hơn 19.665 tỷ đồng. Tổng cộng dư nợ gần 39.218 đồng.

Bà Trương Mỹ Lan khai sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB (mới), bà Lan đã trao đổi, thống nhất với ông Chu Lập Cơ và lãnh đạo SCB về việc cho vay để cơ cấu các khoản nợ xấu, lấy Tòa nhà Times Square vào làm tài sản đảm bảo để vay 20.000 tỷ đồng của SCB để cơ cấu, xử lý nợ.

Bà Lan khai các thủ tục Biên bản họp, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông Công ty Times Square về việc bảo lãnh, thế chấp dự án Times Square cho các khách hàng vay vốn là yêu cầu bắt buộc, phải đảm bảo các thủ tục này mới được vay vốn tại Ngân hàng SCB; các thủ tục này_được lập, ký khống, danh sách khách hàng này không có nhu cầu vay vốn, mà chỉ đến SCB để ký khống, hợp thức hồ sơ.

Đến năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không thể thanh toán cho SCB do phương án trả nợ là không có thật, nguồn tiền vay để xử lý nợ xấu, nên bà Lan tiếp tục thuyết phục, thống nhất với ông Cơ sử dụng tài sản tòa nhà Times Square để gia hạn đảm bảo, thế chấp cho các khoản vay đứng tên 54 khách hàng, tổng dư nợ được đảm bảo gần 35.542 đồng.

Xét thấy, ông Chu Lập Cơ là cổ đông chính, Chủ tịch HĐQT ký các Biên bản họp, Quyết định của HĐQT Công ty Times Square đồng ý thế chấp Tòa nhà Times Square làm tài sản đảm bảo cho bà Lan vay vốn tại Ngân hàng SCB sử dụng cho các mục đích riêng của bà Lan; thông tin khách hàng, phương án vay vốn được tạo dựng, không có mối liên hệ với ông Cơ và Công ty Times Square, mà chỉ được nhờ, thuê đến Ngân hàng SCB ký khống hồ sơ vay.

Căn cứ kết quả điều tra, hành vi trên của ông Chu Lập Cơ phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự, với vai trò giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan phạm tội, liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền gần 9.117 đồng (bằng tổng dư nợ gần 39.218 tỷ đồng trừ giá trị tài sản đảm bảo do Công tỵ Thẩm định giá Hoàng Quân định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022 được SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro được phân bổ cho các khoản vay còn dư nợ nêu trên 30.101 tỷ đồng).

Nhà chức trách cho biết, quá trình điều tra ông Chu Lập Cơ đã thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội; bản thân bị can có đơn đề nghị được tự nguyện khắc phục hậu quả trong vụ án và ngày 5/10/2023, đã nộp 1 tỷ đồng vào tài khoản Cơ quan điều tra.

Hoàng Kiều

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.