Hàng trăm công ty 'ma' được lập để rút tiền từ Ngân hàng SCB
Theo kết luận điều tra vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã trực tiếp hoặc qua các đối tượng Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung... để chỉ đạo nhằm rút ruột tại Ngân hàng SCB.
Các thủ đoạn được bà Lan và đồng phạm sử dụng gồm: Tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê/nhờ người đứng tên tài sản; Tạo lập hồ sơ vay vốn khống; Đưa tài sản đảm bảo được định giá trị, để tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực chất là để “rút ruột” Ngân hàng SCB.
Từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, Ngân hàng SCB đã cho vay, giải ngân cho 2.527 khoản (gồm 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Tính đến ngày 17/10/2022, còn 875 khách hàng (440 cá nhân, 435 tô chức) vay 1.284 khoản (gồm 512 khoản vay khách hàng cá nhân và 772 khoản vay khách hàng tổ chức) với dư nợ 677.286 tỷ đồng, gồm 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đông nợ lãi/phí. Dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của SCB, đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi.
875 khách hàng vay vốn nói trên đều do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.
Cụ thể, đối với pháp nhân, hầu hết là các pháp nhân “ma”, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo hai đối tượng chính là Nguyễn Ngọc Dương - Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula và Nguyễn Phương Anh - Phó Tổng giám đốc thực hiện.
Hai đối tượng này tiếp tục chỉ đạo các đối tượng Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân và Trần Thị Kim Chi là đầu mối chính tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên Công ty cổ phần, Công ty TNHH, tìm địa chỉ đặt trụ sở công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu rút vốn.
Theo kết luận điều tra, các công ty "ma" thành lập thực chất không có hoạt động kinh doanh. Để tránh kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh giao cho một số nhân viên kế toán quản lý, báo cáo thuế, nghe điện thoại theo số đã đăng ký, quản lý con dấu như một công ty đang hoạt động.
Đối với hồ sơ vay vốn là cá nhân, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân là nhân viên làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên hoặc nhờ người nhà các nhân viên đứng tên. Việc này bà Lan chỉ đạo Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh thực hiện.
Hai cá nhân trên chỉ đạo Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân, Trần Thị Kim Chi là đầu mối chính tìm thuê người người đứng tên các khoản vay, đứng tên tài sản đảm bảo để đưa vào thế chấp tại ngân hàng SCB.
Danh sách các pháp nhân, cá nhân được giao cho một số nhân viên tại Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo dõi. Khi cần sử dụng pháp nhân, cá nhân cho các mục đích đứng tên khoản vay/đứng tên tài sản/đứng tên phương án vay vốn/rút tiền của Ngân hàng SCB, Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh sẽ chỉ đạo sử dụng.
Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, nhóm Vạn Thịnh Phát đã thành lập hàng nghìn pháp nhân, thuê/sử dụng hàng nghìn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để hợp thức rút tiền của Ngân hàng SCB.
Sở dĩ “kho” pháp nhân, cá nhân này ngày càng phình to ra vì nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát phải thành lập nhiều pháp nhân, “dựng” nhiều cá nhân mới để đứng tên khoản vay. Mục đích nhằm khi kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC sẽ không có dư nợ tín dụng lớn, còn nếu sử dụng cá nhân, pháp nhân cũ, khi thực hiện tra soát trên CIC sẽ thấy đứng tên các khoản vay rất lớn, không đủ điều kiện để lập được hồ sơ vay vốn.
Trong số 875 khách hàng, hầu hết đều chỉ đứng tên ký chứng từ, hồ sơ, không được thụ hưởng, sử dụng tiền, không biết mình có số nợ SCB rất lớn như vậy. Các cá nhân đứng tên tài sản bảo đảm đều khẳng định chỉ đứng tên hộ, không phải tài sản của họ.
Ngoài hai bị can Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh còn có nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng thành lập pháp nhân, tìm kiếm cá nhân, sử dụng tài sản đảm bảo để tạo lập, ký hợp thức hồ sơ vay vốn khống để bà Trương Mỹ Lan rút tiền Ngân hàng SCB chiếm đoạt.
Các đối tượng này gồm: Bà Trương Huệ Vân, cháu của bà Trương Mỹ Lan; Công ty Lavifood; Nguyễn Phi Long, Đặng Quang Nguyên, Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Lavifood; Dương Tấn Trước, Cao Việt Dũng là Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty Tường Việt; Chu Lập Cơ, Chủ tịch CTCP Đầu tư Times Square là chồng bà Trương Mỹ Lan; Bùi Đức Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Natural Land; Trần Thị Kim Chi, Nguyễn Thị Khánh Vân, Nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Nguyễn Thanh Tùng, Đào Chí Kiên là Chủ tịch, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Đông Phương.