|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính phủ yêu cầu báo cáo phương án xử lý SCB, chuyển giao GPBank, DongABank trước 20/12

20:03 | 12/12/2024
Chia sẻ
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện phương án xử lý Ngân hàng SCB, đồng thời trình phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại là GPBank, DongABank trước ngày 20/12.

 Phòng giao dịch ngân hàng SCB chi nhánh Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Minh Nguyệt)

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương theo dõi sát tình hình, đánh giá đầy đủ những tác động mới cả từ trong và ngoài nước để phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Trong đó, Nghị quyết nêu rõ nội dung, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẩn trương trình trước ngày 20/12/2024 phương án chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng kiểm soát đặt biệt còn lại bao gồm Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). 

Đồng thời, sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), không để chậm trễ hơn nữa. Vào cuối tháng 10/2022, Ngân hàng SCB đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại TNHH MTC Đại dương (OceanBank) sẽ đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Việt Nam hiện đại, gọi tắt là MBV từ ngày 18/12/2024.

Trước đó ngày 17/10, NHNN đã chính thức chuyển giao Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB).

Chính phủ cũng giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay…

Theo đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển kinh tế.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), từ tháng 6/2023 đến 9/2024, SCB đã giải thể hoạt động 120 phòng giao dịch (PGD) tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 64 PGD, tại các tỉnh thành khác là 56 PGD.

Gần đây nhất, vào ngày 1/11, SCB thông báo đóng cửa 9 phòng giao dịch tại các tỉnh thành khác nhau, đơn cử PGD Âu Lạc - Chi nhánh Thống Nhất, PGD Nguyễn Kiệm - Chi nhánh Gia Định, PGD Ngô Quyền - Chi nhánh Chợ Lớn, PGD Tạ Uyên - Chi nhánh Bình Tây,...

Tuy nhiên, SCB khẳng định việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của ngân hàng.

Minh Nguyệt

Technical Insights: VN-Index xuất hiện dấu hiệu dừng tăng, cổ phiếu nào còn tiềm năng?
Theo ông Võ Long Nhân, Trưởng phòng Phân tích của Stockmap, sau phiên bùng nổ ngày 5/12, dòng tiền có dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng tăng giá trong ngắn hạn đang thấp. Nhà đầu tư cần quan sát biến động của VN-Index quanh vùng hỗ trợ 1.240 điểm trong tuần 16-20/12, để đưa ra quyết định phù hợp.