Chiêu lừa đánh cắp tài khoản MoMo trên Facebook
Gây dựng spa từ 2 bàn tay trắng | |
Momo, Money Lover, BankGo lọt top 75 ứng dụng fintech của Đông Nam Á |
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, kẻ gian sẽ tạo các tài khoản Facebook giả mạo với tên gọi đại loại như Ví MoMo, Ví điện tử MoMo (sử dụng logo MoMo làm ảnh đại diện) để khiến người dùng tin tưởng.
Sau đó, kẻ gian sẽ gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho bạn qua Messenger với nội dung trúng thưởng voucher 200.000 đồng trong Ví MoMo. Lưu ý, fanpage trên Facebook không có tính năng gọi điện thoại và kết bạn, thêm vào đó, nếu MoMo “chính chủ” tặng quà, tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của người dùng chứ không nhắn tin hoặc gọi điện thoại riêng.
Lập tài khoản Facebook giả mạo là MoMo nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản của người dùng. Ảnh: TIỂU MINH |
Ngoài ra, nếu thấy người dùng đăng tải các vấn đề liên quan đến MoMo lên Facebook, kẻ gian có thể lợi dụng tình huống này và sử dụng tài khoản giả mạo để kết bạn. Sau đó chủ động nhắn tin và yêu cầu cung cấp số điện thoại, mã OTP, mật khẩu với lý do hỗ trợ giao dịch.
Tất nhiên, đây chỉ là một trong nhiều chiêu trò của tội phạm mạng nhằm đánh cắp thông tin tài khoản, bởi lẽ Google, Facebook, ngân hàng… hay các dịch vụ ví điện tử đều không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp mã OTP, mật khẩu.
Chủ động kết bạn với lý do hỗ trợ giao dịch, tuy nhiên thực chất là đang tiếp cận để khai thác thông tin. Ảnh: TIỂU MINH
Làm thế nào để hạn chế?
- Luôn nâng cao cảnh giác, không cung cấp mã OTP, mật khẩu cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả ảnh chụp màn hình).
- Không gửi số điện thoại, CMND, hình ảnh, thông tin tài khoản trên mạng xã hội, diễn đàn…
- Không đặt mật khẩu dễ đoán như 123456, password… Thay vào đó, người dùng nên đặt mật khẩu có tối thiểu tám ký tự, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt.
- Không cho người khác mượn tài khoản.
Có thể thấy chiêu trò lừa đảo tặng quà, tặng xe, tặng thẻ cào… trên Facebook vốn chẳng phải là mới, tuy nhiên, không ít người vẫn trở thành nạn nhân và bị mất tài khoản, mất tiền trong ví điện tử, ngân hàng.
Để hạn chế tình trạng trên, bạn cần phải nâng cao cảnh giác, không chia sẻ thông tin cá nhân quan trọng với bất kỳ ai qua Facebook Messenger, Zalo… kể cả bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Cần phải xác thực lại mọi thứ (gặp trực tiếp hoặc gọi điện thoại) trước khi cung cấp thông tin.
Tiền giả lên Facebook
Bên cạnh chiêu trò tặng quà, mua xe giá rẻ thì giờ đây đến tiền giả cũng được công khai buôn bán trên Facebook.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “mua bán tiền giả” trên Facebook, bạn sẽ thấy có rất nhiều fanpage, hội nhóm buôn bán tiền giả. Thông thường kẻ gian sẽ đăng tải rất nhiều hình ảnh về những cọc tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, kèm theo đó là lời rao bán 1 triệu tiền thật = 30 triệu tiền giả (không phân biệt mệnh giá).
Tiền giả được rao bán công khai trên Facebook. Ảnh: TIỂU MINH
Tất nhiên, khi nghe những lời rao ngọt như đường, hẳn là sẽ có không ít người nổi lòng tham để rồi bị lừa mà không biết kêu ai. Theo đó, để mua được tiền giả, bạn cần phải đưa trước cho người bán 50% số tiền để đặt cọc, sau đó sẽ có người đến giao hàng. Khi đề nghị trực tiếp đến xem hàng và trả tiền, người bán không chịu, yêu cầu phải gửi tiền cọc trước bằng thẻ cào điện thoại, thẻ game hoặc thông qua các dịch vụ như PayPal chứ nhất định không bán trực tiếp và không chuyển khoản ngân hàng với lý do sợ bị lộ danh tính.
Về cơ bản, đa số những bức ảnh chụp của các đối tượng buôn bán tiền giả đều là lấy trên mạng hoặc không thì họ thường lấy tay che đi những vị trí đặc biệt trên tờ tiền để bạn không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Hy vọng với những thông tin mà Kynguyenso.plo.vn vừa cảnh báo bên trên, bạn đọc sẽ biết cách phân biệt tài khoản MoMo giả mạo và “chính chủ”, tránh bị mất tiền oan uổng.