|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sẻ chia trong nền kinh tế chia sẻ

09:35 | 31/01/2017
Chia sẻ
Cuộc đối đầu giữa các tài xế xe ôm và dịch vụ GrabBike là cuộc chạy đua để hưởng “phúc lợi vương vãi” trong một nền kinh tế đang phát triển.

Câu chuyện chia sẻ trên Facebook đã đốn tim cộng đồng mạng khi một bác lớn tuổi chạy xe ôm nhiều ngày không đón được người khách nào. Vì cám cảnh, nhiều người phải năn nỉ khách đi giúp ông. Đẩy người chạy xe ôm vào tình cảnh này là các thanh niên cung cấp dịch vụ GrabBike rẻ hơn, chuyên nghiệp hơn. Không cạnh tranh được, thậm chí, có người xe ôm quẫn trí còn dọa đánh những người tới “cướp” nồi cơm của mình.

Chia sẻ thịnh vượng

Những người chạy xe ôm khốn khổ này là một trong rất nhiều người bị bỏ lại trong thời công nghệ và kinh tế chia sẻ. Nhưng đây cũng không phải là hiện tượng chỉ xảy ra ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Ngay cả ở những nền kinh tế tiên tiến, nhiều người cũng bị bỏ lại trong toàn cầu hóa, trong làn sóng công nghệ phát triển quá chóng vánh. Họ có thể từng là công nhân trong những ngành công nghiệp cũ, thâm dụng lao động, nay trong làn sóng toàn cầu hóa, đã phải đóng cửa hoặc chuyển ra nước ngoài. Công việc của họ cũng có thể bị robot thay thế hoặc bị cạnh tranh bởi mô hình kinh tế chia sẻ. Họ có thể đang là người thợ sửa ống nước, làm vườn, giặt ủi... một ngày nào đó đột nhiên bị thay thế bởi những người thợ chuyên nghiệp hơn, nhận dịch vụ qua ứng dụng di động.

Không kịp thích ứng với sự thay đổi thời cuộc, họ chấp nhận trở thành nạn nhân của sự thay đổi kinh tế. Tình cảnh này từng khiến Tổng thống Barack Obama đưa ra lời kêu gọi “mang việc làm trở lại nước Mỹ” sau khi toàn cầu hóa và thế giới phẳng đã kéo những nhà sản xuất Mỹ tới các “công xưởng thế giới” như Trung Quốc, Ấn Độ. Đảng Dân chủ của ông Obama đã không giải quyết triệt để và kết quả là ứng viên của đảng này là bà Hillary Clinton đã bị ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đánh bại. Nhân tố trong cuộc lật đổ ngoạn mục này chính là những người da trắng ở Wisconsin và Michigan. Họ chính là những người bị bỏ lại bên lề, đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh hằng ngày, như bị xã hội bỏ rơi. Bỏ phiếu cho Trump không hẳn họ yêu Trump hơn, nhưng họ muốn trút giận vào chính sách hiện tại của nước Mỹ mà người đại diện là ông Barack Obama và đảng Dân chủ của ông, trong đó có bà Hillary Clinton.

Có thể ai đó vì thương tình chọn bác lớn tuổi cho chuyến xe vài chục ngàn đồng. Nhưng những người khác vẫn chọn GrabBike vì tiện hơn và rẻ hơn. Hàng ngàn người xe ôm khác vẫn sẽ khốn đốn vì đội quân xe ôm trẻ trung mới xuất hiện. Người ta nói xã hội cần phải thay đổi để tiến lên, những gì cũ kỹ cần phải loại bỏ. Đúng, nhưng đừng quên những người bị bỏ lại bên lề vì họ mang theo uẩn ức của người nghèo. Cũng đừng quên rằng nếu như vậy nghĩa là chúng ta chấp nhận sự bất bình đẳng đối với đồng bào.

Khi nền kinh tế chia sẻ đang lên ngôi, World Bank đưa ra thuật ngữ “Chia sẻ thịnh vượng” (Shared Prosperity), đưa ra giải pháp cho những người nghèo bị bỏ lại trong toàn cầu hóa, đô thị hóa... “Khi làm việc với các chính phủ, chúng tôi luôn ủng hộ những nỗ lực nhằm đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng chứ không phải chỉ những người đã nắm quyền kiểm soát hay tiếp cận được nguồn vốn”, ông Jim Young Kim, Chủ tịch World Bank, cho biết. Ông đặc biệt cảnh báo: “Nếu chỉ tập trung vào GDP thì sẽ sa vào đơn giản hóa vấn đề. Chúng tôi phản đối cách tiếp cận theo học thuyết “phúc lợi vương vãi” (trickle - down theory)... cho người nghèo. Theo chủ thuyết này, bất cứ sự tăng trưởng nào cũng sẽ làm cho đất đai màu mỡ và hoa trái sẽ đâm chồi cho cả người nghèo”.

se chia trong nen kinh te chia se

Hàng ngàn người chạy xe ôm sẽ khốn đốn vì đội quân GrabBike trẻ trung mới xuất hiện. Ảnh: kienthuc.net.vn

Thực tế, cùng với tăng trưởng nóng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị nới rộng, kéo theo đó là hệ lụy xã hội, dân sinh, môi trường... Những người dân bỏ nông thôn lên thành thị kiếm sống dựa vào sự phát triển đô thị là một trong những hình thức “vương vãi” của kinh tế. Những tài xế xe ôm, ba gác, phụ việc nhà... đều là những người “nhặt nhạnh” mưu sinh từ quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt.

Học vấn thấp, chậm chạp, thiếu năng động với thời cuộc, họ đáng bị bỏ lại?

Thật ra, lý thuyết “phúc lợi vương vãi” từng bị công kích. Bởi vì, trong thực tế, khó có thể thấy chỗ cho người nghèo trong các dự án khu dân cư cao cấp đang mọc lên như nấm. Khó có thể thấy những tiện ích như hồ bơi, resort, khách sạn... dành cho số đông. Nó cũng giống như việc nhiều bãi biển, thắng cảnh ở miền Trung bỗng nhiên trở thành của riêng của chủ đầu tư và người dân trong vùng phải trở thành du khách ngay trên bãi biển mà cha ông họ đã gắn bó bao đời nay.

Trong khi Uber hay GrabBike ra đời với các khoản đầu tư lớn thì những người xe ôm bị đẩy ra khỏi cuộc mưu sinh của họ, dù là mưu sinh trên vỉa hè.

World Bank giải quyết bài toán “chia sẻ thịnh vượng” bằng minh bạch trong thu thuế, hay nói cách khác là buộc người giàu phải đóng thuế nhiều hơn. Chủ tịch World Bank giải thích: “Giám đốc IMF và tôi cùng khẳng định với nhau rằng hai tổ chức chúng tôi sẽ làm tất cả để giúp đỡ các nước thu được nhiều thuế hơn và công bằng hơn. Người giàu tại quá nhiều nước đã không đóng thuế tương xứng. Một số công ty đa quốc gia còn tìm cách trốn thuế tinh vi. Đây cũng là một dạng tham nhũng mà người nghèo phải chịu hậu quả...”.

Ngay tại nước Mỹ, theo Giáo sư Kinh tế Angus Deaton, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2015, những người bị bỏ lại gây ra nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn nữa khi ghi nhận được làn sóng “những cái chết vì tuyệt vọng” tăng cao trong số những người da trắng không có gốc Latinh - do tự tử, lạm dụng chất cồn và các trường hợp sốc thuốc được kê đơn hoặc thuốc bất hợp pháp. Đối với những người khốn khổ này, bị lãng quên bên lề xã hội là điều cùng cực nhất khiến họ quyết định từ bỏ thế giới này.

Không ai bị bỏ lại

Do tình trạng kinh tế suy thoái, nhiều công ty, nhà máy, doanh nghiệp ở Mỹ đã cắt giảm một số lượng lớn nhân viên. Nước Mỹ phải tung ra chương trình đào tạo lại cho những người bị mất việc do sự phát triển của công nghệ hay do toàn cầu hóa. Còn những người bị sa thải tìm cách xoay xở. Phương pháp an toàn nhất là họ tìm đến các trường đại học, trung tâm giáo dục để tham gia các khóa học ngắn hạn nhằm cải thiện kỹ năng chuyên môn, những ngành nghề công nghệ mới. Có người còn theo học cả các ngành liên quan đến những công việc mà xã hội đang rất cần.

se chia trong nen kinh te chia se

Các bác chạy xe ôm, xích lô nằm trong số những người bị bỏ lại trong thời công nghệ và kinh tế chia sẻ. Ảnh: Sơn Phạm

Cũng như vậy, các bác tài xế xe ôm rất có thể phải học kỹ năng để gia nhập vào đội quân GrabBike, hoặc phải tìm một công việc khác phù hợp. Họ rất cần sự trợ giúp như chương trình đào tạo lại, nếu không ngay lập tức họ phải gia nhập đội quân người nghèo. Tại Việt Nam, nếu tính theo “chuẩn nghèo đa chiều”, đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo là 9,88%, tương đương khoảng 2,33 triệu hộ. Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, nguy cơ thất nghiệp, mất việc làm, giảm thu nhập của nhiều lao động cũng như ngành nghề đang ngày một tăng.

Trên thực tế, từ “Thất nghiệp do công nghệ” (Technology Unemployment) đã được Giáo sư Lord Keynes phát triển từ thập niên 30 trước sự bùng nổ của máy móc thiết bị, khiến năng suất tăng lên nhưng cũng làm nhu cầu lao động đi xuống. Những nhân viên thu tiền điện, nước đã bị thay thế bằng những ứng dụng MoMo, Mobivi, Paynet. Những nhân viên bán vé tàu xe được thay thế bằng dịch vụ vexere.com, Pasoto.com. Hàng loạt startup phát triển ứng dụng học trực tuyến, những kho sách điện tử, các chương trình tính toán tự động... cũng đang tạo thành những áp lực lớn cho người trong nghề xuất bản, in ấn... Sẽ không còn lâu nữa, không chỉ những bác xe ôm mà sẽ có rất nhiều ngành nghề khác sẽ “tái thất nghiệp” nếu không bắt kịp kỹ năng mới của thời đại.

Trong khi đó, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2015, 78% lao động chưa qua đào tạo. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Đáng lưu ý là người tự làm tăng từ 40,96% lên 42,12%, điều này nghĩa là gần một nửa số lao động Việt Nam, trên 42 triệu người, đang phải tự làm để kiếm sống bằng đủ các ngành nghề. Đa số họ chưa được học nghề, không có vốn để sản xuất kinh doanh, do không đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động nên phải tự bươn chải để nuôi bản thân và gia đình.

Lãnh đạo bộ này nhận định rằng, với trình độ như hiện nay, lao động Việt Nam rất khó tham gia thị trường lao động, ngay tại đất nước mình, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với lao động ở nước ngoài. Thậm chí, nếu lao động của Việt Nam có làm được thì chỉ mới dừng lại ở trình độ lao động thủ công với mức lương rất thấp.

Con số 42 triệu lao động còn lớn hơn cả dân số Singapore, Canada, Úc, New Zealand và nhiều nước trong nhóm G-20. Nếu 42 triệu người này được đào tạo nghề bài bản thì họ sẽ tạo ra nhiều lợi ích vượt trội cho Việt Nam trong tương lai gần, kể cả khi trào lưu công nghệ nở rộ. Còn ngược lại, họ sẽ trở thành gánh nặng cho Việt Nam khi trở thành “những người bị bỏ lại”.

Lam Hồng