Chiến tranh dầu mỏ với 'gấu Nga' sẽ là tự sát?
Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã đưa vương quốc vào cuộc “đấu tay đôi tự sát với gấu Nga” và sẽ phải chịu tổn thất lớn, tờ Al Araby viết về hậu quả trong cuộc xung đột dầu mỏ hôm 31/3.
Hôm qua (1/4), RIA đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay, Hoa Kỳ, Nga và Saudi Arabia sẽ thảo luận về việc tăng giá dầu thế giới để hỗ trợ ngành công nghiệp dầu mỏ trong bối cảnh thị trường đang tác động bởi đại dịch Covid-19.
“Tất cả chúng tôi có kế hoạch họp lại để đánh giá xem chúng tôi có thể làm gì với thị trương dầu mỏ hiện tại. Bởi vì không ai muốn mất đi ngành công nghiệp dầu mỏ. Đó là nơi tạo ra rất nhiều việc làm”, ông Trump nói.
Theo đó, tác giả ấn phẩm cho rằng, sau khi các nước OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC, gọi là OPEC+) không đồng ý giảm sản lượng khai thác dầu hồi tháng trước, Saudi Arabia đã giảm giá dầu xuống dưới 30 USD/ thùng, và dự kiến tăng sản lượng lên 13 triệu thùng/ ngày kế từ đầu tháng 4. Điều này gây khó khăn cho tất cả các nước xuất khẩu, tuy nhiên, các chuyên gia đang so sánh các nước đứng đầu thị trường dầu mỏ như Nga và Saudi Arabia bằng chỉ số này.
Cũng theo ấn phẩm này, do thỏa thuận OPEC+ thất bại, đồng ruble bị ảnh hưởng giảm mạnh và các công ty lớn nhất của Nga bị thua lỗ. Đồng thời, theo tác giả, Moscow ít bị phụ thuộc vào dầu hơn Riyadh. Tiền thu được từ việc bán dầu chiếm 2/3 doanh thu của Saudi Arabia năm 2018, mặc dù thực tế là trong những năm gần đây vàng đen đã mất giá đáng kể.
Tỷ lệ thuế trong thu nhập của Saudi Arabia trong 18 năm qua đã tăng từ 4,4% lên gần một phần ba và thặng dư ngân sách được thay thế bằng thâm hụt đạt 103% GDP trong năm 2015 và giảm xuống còn 33% vào năm 2018.
“Theo ước tính, giá dầu giảm đã khiến Saudi Arabia mất 400 triệu USD/ ngày, tương đương khoảng 150 tỉ USD/ năm”, tác giả ấn phẩm nhấn mạnh.
Đồng thời, tác giả cho biết thêm, Saudi Arabia không thể cạnh tranh nổi do cơ cấu sản xuất. Ngoài ra, chính quyền không thể làm gì khi tài nguyên thiên nhiên vương quốc này đang cạn kiệt. Tất cả điều này khiến lượng dự trữ của đất nước bị lãng phí, kể từ năm 2014 đã giảm gần 250 tỉ USD.
Tác giả cho rằng, động lực nền kinh tế Saudi Arabia là chi tiêu ngân sách và thâm hụt ngân sách trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh làm tăng đáng kể gánh nặng cho công dân của nước này và kéo theo các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
“Saudi Arabia là một ví dụ về quốc gia dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài”, ấn phẩm viết.
Ngoài ra, tác giả ấn phẩm dự đoán một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sẽ xảy ra ở Saudi Arabia, điều này sẽ khiến vương quốc dầu mỏ này không thể thực hiện được các mục đích khác bên ngoài đất nước.
Theo một quan chức Saudi Arabia, nước này dự định tăng xuất khẩu lên 10,6 triệu thùng/ ngày từ tháng 5/2020 vì Riyadh đang sử dụng ít dầu hơn để sản xuất điện năng và trong nước cũng tiêu thụ ít hơn.
Quốc gia này sẵn sàng duy trì chiến lược dầu mỏ sống còn bằng cách sử dụng những nguồn cung cấp lớn và sức mạnh tài chính của mình để đánh bại các đối thủ có chi phí cao hơn trong dài hạn. Saudi Arabia sản xuất hơn 1/10 lượng dầu trên toàn cầu.
Trước đó, hôm 1/4, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết Bộ trưởng Bộ Năng lượng Dan Brouillette và người đồng cấp Nga Alexander Novak ngày 31/3 đã nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận trong thời gian tới bàn về tình hình thị trường dầu toàn cầu.
Nội dung cuộc thảo luận bao gồm diễn biến thị trường năng lượng, Nga và Mỹ nhất trí tiếp tục đối thoại cùng các nhà sản xuất dầu và tiêu thụ dầu, trong đó có Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn chưa có tiền lệ trong nền kinh tế toàn cầu.
Các cuộc thảo luận giữa Washington và Moscow đánh dấu một bước ngoặt mới về quan hệ ngoại giao trong thị trường dầu mỏ toàn cầu kể từ khi OPEC và Nga không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khiến giá dầu rớt giá mạnh.