Chiến lược 'lỗ là đóng' của Thế Giới Di Động
Mới đây trong cuộc họp cổ đông, lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Thế Giới Di Động, mã: MWG) cho biết công ty đang tập trung xử lý cửa hàng hoạt động không hiệu quả, liên quan đến các khoản chi phí thuê mặt bằng, giải quyết vấn đề nội tại của cửa hàng.
Theo chia sẻ từ Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đức Tài cho biết trừ một số chuỗi đang trong giai đoạn thử nghiệm như AVAKids... chiến lược "lỗ là đóng" được áp dụng ở các chuỗi với quy mô lớn hơn như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bánh Hóa Xanh. Tuy nhiên, phạm vi đánh giá được tính theo thời gian dài, bằng tháng năm "chứ không phải cứ thấy lỗ là ngày mai đóng luôn".
Tối ưu vị trí cửa hàng
"Chúng ta nhìn nhận vào một cửa hàng. Giả sử, doanh thu của cửa hàng phục hồi, tăng trưởng 50% so với tình hình hiện tại thì sẽ không đóng nó. Nhưng nếu đó là một cửa hàng vô vọng, có nhiều vấn đề nội tại thì sẽ buộc phải đóng, hoặc di dời sang vị trí khác", ông Nguyễn Đức Tài phân tích.
Ông Tài cho biết thêm nếu chỉ cần bỏ ra 100 triệu đồng đã có thể sở hữu mặt bằng tương tự một cửa hàng có giá thuê mặt bằng 200 triệu đồng thì đó là vấn đề công ty cần xử lý. Lấy ví dụ một cửa hàng nằm trên đường Phan Đăng Lưu (TP HCM) ông Tài cho biết cần xử lý "ngay và luôn". Công ty sẽ tiến hành thay thế cửa hàng này bằng một cửa hàng tương tự nằm ở vị trí gần đó.
"Sắp tới, các bạn sẽ thấy một cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu sẽ được xử lý. Bởi vì, sau giai đoạn cạnh tranh để lấy mặt bằng thì giá thuê đã trở nên lố bịch so với hiện trạng bây giờ", ông Nguyễn Đức Tài nói về cách Thế Giới Di Động thực hiện chiến lược "đóng-mở" cửa hàng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết việc đánh giá cửa hàng không chỉ phụ thuộc vào yếu tố doanh thu mà còn tính tới cả vấn đề nội tại của từng cửa hàng.
"Có phải cứ lỗ là đóng không? Không. Nếu trong tương lai, tình hình được phục hồi và cửa hàng vẫn mang lại sự hiệu quả thì cửa hàng đó vẫn được duy trì nhưng nếu cửa hàng đạt doanh thu cao nhưng có nhiều vấn đề nội tại thì vẫn phải được xử lý", ông Tài chia sẻ.
Thương lượng mặt bằng sòng phẳng
Theo ông Tài, vấn đề nội tại của từng cửa hàng có rất nhiều. Từ vị trí chưa được tối ưu đến giá thuê mặt bằng "rất là hỗn so với thương lượng"... Ông Tài nhắc lại lùm xùm giữa Thế Giới Di Động với các chủ thuê mặt bằng trong năm 2021. Đồng thời, lãnh đạo công ty cũng nêu rõ quan điểm của Thế Giới Di Động về việc thương lượng giá thuê mặt bằng trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
"Kỳ này thương lượng sẽ rất là khác. Bây giờ không có xin - cho gì nữa. Đây là thương lượng sòng phẳng giữa bên mua và bên bán. Chúng ta có gặp được nhau ở một mức giá công bằng cho cả hai bên hay không”, ông Tài nhấn mạnh.
Theo đó, Thế Giới Di Động sẽ đàm phán với chủ mặt bằng điều chỉnh giá thuê phù hợp với giá thị trường. Nếu cả hai bên không đạt tiếng nói chung, Thế Giới Di Động có thể trả mặt bằng để di chuyển sang một địa điểm mới.
Nhắc lại, cuối năm 2021, lùm xùm giữa các chủ cho thuê mặt bằng và Thế Giới Di Động nổ ra. Nhiều chủ nhà lên tiếng tố Thế Giới Di Động đã tự ý giảm từ 70 tới 100% tiền thuê mặt bằng, tự chuyển tiền vào tài khoản của người cho thuê khi chưa thống nhất thỏa thuận giữa hai bên.
Trước đó, công ty cũng đã gửi nhiều văn bản đề nghị với chủ nhà về việc giảm tiền thuê mặt bằng. Tại thời điểm đó, đại diện Thế Giới Di Động cũng xác nhận công ty đang trao đổi với các chủ nhà để thỏa thuận. Trong trường hợp chủ nhà không đồng ý với chính sách miễn giảm tiền thuê, doanh nghiệp buộc phải thanh lý hợp đồng.
Trong một buổi gặp gỡ nhà đầu tư trong cuối năm 2021, CEO Đoàn Văn Hiểu Em từng tiết lộ doanh nghiệp đã tiết giảm được khoảng 20% tiền thuê mặt bằng so với tổng chi phí thuê hàng năm bởi đại dịch COVID-19 khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa, dẫn đến phần đông chủ nhà đồng ý hỗ trợ Thế Giới Di Động thông qua giá thuê.