|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chỉ báo dự đoán đúng hấu hết mọi cuộc suy thoái gặp trục trặc, liệu nền kinh tế Mỹ có thực sự ổn?

08:27 | 25/07/2024
Chia sẻ
Chỉ báo suy thoái ưa thích của Phố Wall bắt đầu nhấp nháy tín hiệu cảnh báo đỏ vào năm 2022 và vẫn chưa dừng lại. Nhưng cho đến nay, suy thoái vẫn chưa xuất hiện.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Kể từ năm 2022, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã xuống thấp hơn lợi suất của hầu hết các trái phiếu có thời hạn ngắn hơn. Hiện tượng này được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược và nó từng xảy ra trước hầu hết mọi cuộc suy thoái kinh tế kể từ những năm 1950.

Trong suy nghĩ của nhiều người, một cuộc suy thoái sẽ xuất hiện trong vòng một năm hoặc nhiều nhất là hai năm kể từ khi đường cong lợi suất đảo ngược.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, suy thoái không xảy ra mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ nhìn chung không phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo đỏ.

Tình trạng này khiến nhiều chuyên gia ở Phố Wall phải vò đầu bứt tai về lý do tại sao đường cong lợi suất đảo ngược - vừa là tín hiệu, và trong một số trường hợp vừa là nguyên nhân gây suy thoái - lần này lại sai.

Các chuyên gia cũng băn khoăn liệu đây có phải là dấu hiệu liên tục cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp nguy hiểm hay không.

Chia sẻ với CNBC, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho hay: “Cho đến nay, đường cong lợi suất đảo ngược sai hoàn toàn. Đây là lần đầu tiên đường cong đảo ngược và suy thoái không xảy ra.

Nhưng, tôi không nghĩ chúng ta có thể cảm thấy thoải mái khi đường cong tiếp tục đảo ngược. Tính đến bây giờ, tuy chỉ báo này phát tín hiệu sai, điều đó cũng không có nghĩa là nó sẽ sai mãi mãi”.

Trong quá khứ, hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược chỉ dự đoán sai một lần vào giữa những năm 1960.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York sử dụng đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm và 3 tháng. Theo cơ quan này, suy thoái thường xảy ra khoảng 12 tháng sau đó.

Trên thực tế, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn nhận định xác suất xảy ra suy thoái từ nay cho đến tháng 6/2025 là khoảng 56%.

Ông Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng của SMBC Nikko Securities, cho biết: “Đã rất lâu rồi bạn mới phải thắc mắc về tính hữu dụng của đường cong đảo ngược. Tôi không hiểu sao lần này nó có thể báo tín hiệu sai lâu đến vậy”.

“Tôi nghĩ có khả năng đường cong lợi suất đảo ngược đã mất đi khả năng dự báo, nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn đi đến kết luận”, vị chuyên gia lưu ý.

 

Không phải chỉ báo duy nhất

Tình hình trở nên phức tạp hơn khi đường cong lợi suất đảo ngược không phải chỉ báo duy nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ nên cẩn trọng.

Kể từ quý III/2022, GDP của Mỹ tăng trưởng thực tế khoảng 2,7% mỗi quý (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Đây là một tốc độ khá lành mạnh, nằm trên mức xu hướng dài hạn là khoảng 2%.

Trước đó, GDP tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, thoả điều kiện của một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố GDP quý II/2024 vào sáng ngày 25/7 (khoảng 19h30 theo giờ Việt Nam). Dự kiến, nền kinh tế số một thế giới tăng trưởng khoảng 2,1% trong quý vừa qua.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang theo dõi một vài xu hướng tiêu cực.

Quy tắc Sahm, một chỉ báo suy thoái khác, sắp được kích hoạt. Theo nhà kinh tế Claudia Sahm, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng, suy thoái sẽ xảy ra.

Ngoài ra, cung tiền đã có xu hướng giảm đều kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 4/2022 và các chỉ số kinh tế sớm của Conference Board từ lâu đã ở mức âm, cho thấy những trở ngại lớn đối với tăng trưởng.

Bà Quincy Krosby, chiến lược gia cấp cao tại LPL Financial, đánh giá: “Rất nhiều chỉ báo trong số này đang bị nghi ngờ. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ rơi vào suy thoái”.

Song, chưa có cuộc suy thoái nào có vẻ sẽ xuất hiện trong tương lai gần.

 

Lần này có gì khác biệt?

Trao đổi với CNBC, ông Jim Paulsen, nhà kinh tế kỳ cựu từng làm việc tại Wells Fargo, đã chỉ ra một số hiện tượng bất thường trong vài năm qua có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh lệch.

Đầu tiên, ông lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ đã trải qua một cuộc suy thoái kỹ thuật trước khi đường cong lợi suất đảo ngược. Mặt khác, ông đề cập đến hành vi bất thường của Fed trong chu kỳ chính sách hiện tại.

Để khống chế lạm phát cao ngất ngưởng, Fed bắt đầu tăng lãi suất dần dần vào tháng 3/2022. Sau đó, các nhà hoạch định chính sách tăng mạnh hơn vào giữa năm sau khi lạm phát đạt đỉnh vào tháng 6.

Động thái trên đi ngược với đường lối mà ngân hàng trung ương Mỹ từng theo đuổi trong quá khứ. Trước kia, Fed thường tăng lãi suất sớm hơn và bắt đầu cắt giảm lãi suất muộn hơn.

“Lần này, họ đợi cho đến khi lạm phát lên đến đỉnh, sau đó mới thắt chặt chính sách mạnh tay”, nhà kinh tế Paulsen nhấn mạnh.

Cách làm của Fed đã giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh khó khăn vốn thường xảy ra khi đường cong lợi suất đảo ngược.

Một lý do mà đường cong vừa là tín hiệu cảnh báo vừa là nguyên nhân gây suy thoái là chúng khiến tiền ngắn hạn trở nên đắt đỏ hơn. Trong kịch bản đó, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi đi vay ngắn hạn và cho vay dài hạn.

Khi đường cong đảo ngược gây hại cho biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng, họ phải hạn chế cho vay, khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm sút và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, lần này các doanh nghiệp có thể đã chốt được hợp đồng đi vay dài hạn với mức lãi suất thấp trước khi Fed bắt đầu nâng lãi suất. Điều này tạo ra bộ đệm để doanh nghiệp chống lại tác động khi lãi suất ngắn hạn lên cao.

Song, xu hướng này làm tăng rủi ro cho Fed, vì phần lớn các khoản vay đó sắp đến hạn thanh toán.

Các công ty cần đảo nợ có thể gặp rắc rối nếu lãi suất vẫn cao ngất ngưởng. Trên thực tế, Fed đã giữ lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 22 năm trong khoảng một năm qua.

“Vì vậy, rất có thể đường cong lợi suất đã nói dối chúng ta cho đến tận bây giờ. Nhưng nó có thể sẽ quyết định bắt đầu nói sự thật trong nay mai”, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics nói.

“Đường cong lợi suất đảo ngược khiến tôi thực sự khó chịu. Đó là một lý do khác khiến Fed nên hạ lãi suất. Họ nên tận dụng cơ hội”, ông Zandi nhấn mạnh.

Yên Khê

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.