|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bong bóng lớn nhất lịch sử chứng khoán Mỹ sắp đạt đỉnh, nền kinh tế sẽ suy thoái vào cuối năm?

16:28 | 23/07/2024
Chia sẻ
Ông Mark Spitznagel, Giám đốc đầu tư của quỹ Universa Investments, nổi tiếng vì kiếm được hàng tỷ USD từ những vụ sụp đổ của thị trường. Ông dự đoán chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục lên cao trong thời gian tới, sau đó đổ sập và khiến giá cổ phiếu giảm hơn một nửa.

Ông Mark Spitznagel, nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư của Universa Investments. (Ảnh: Reuters). 

Kiếm tiền từ khủng hoảng

Dự báo về thị trường chứng khoán Mỹ nhiều vô số kể, nhưng các nhà đầu tư sẽ chú ý lắng nghe nếu đó là nhận định của ông Mark Spitznagel, Giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ Universa Investments.

Ông Spitznagel từng đạt một số thành tích đáng nể, bao gồm việc kiếm 1 tỷ USD trong một ngày vào tháng 8/2015. Giám đốc đầu tư của Universa làm được điều này là nhờ quan điểm dài hạn và chiến lược nhất quán chứ không dựa vào các dự đoán ngắn hạn.

Chiến lược giao dịch phức tạp của Universa được gọi là phòng ngừa rủi ro đuôi - được xây dựng dựa trên sự cố vấn của ông Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Thiên nga đen”.

Hầu như ngày nào ông Spitznagel cũng mất tiền, nhưng đổi lại, quỹ của ông gặt hái lợi nhuận khổng lồ trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh.

Một vài thảm họa trên thị trường chứng khoán Mỹ bao gồm khủng hoảng tài chính năm 2008, sự cố flash crash năm 2015 và cú lao dốc vì COVID-19 hồi năm 2020. Các sự kiện này đã mang về cho Universa lợi nhuận lớn. 

Nhà đầu tư chỉ phân bổ một lượng nhỏ vốn trong danh mục vào Universa cũng thu được tỷ suất lợi nhuận vượt trội hơn danh mục 60/40 truyền thống.

Quỹ Universa được thành lập vào năm 2008. Tỷ suất sinh lời năm 2008 được tính từ tháng 3 đến tháng 12. Lợi nhuận của cổ phiếu được tính theo chỉ số S&P 500. 

Ông Spitznagel dự đoán thị trường đang tiến gần đến một vụ bán tháo lớn có nguy cơ khiến cổ phiếu mất hơn một nửa giá trị. Nhưng dự đoán chính xác khi nào thị trường sẽ sụp đổ khó hơn nhiều việc xây dựng danh mục phòng ngừa kịch bản đó. 

Nhiều chiến lược gia và nhà quản lý quỹ luôn tỏ vẻ lạc quan để kéo giá cổ phiếu đi lên. Tương tự, đối với một người chuyên kiếm lời khi thị trường lao dốc như ông Spitznagel, những lời cảnh báo từ ông có vẻ như tiểu xảo marketing thu hút khách hàng.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời ông Spitznagel chia sẻ trong cuộc phỏng vấn tuần trước: “Tôi nghĩ thị trường đang trên đường đến một nơi rất, rất tồi tệ. Nhưng dĩ nhiên, ai cũng nghĩ là tôi sẽ nói thế”.

Nhưng trên thực tế, ngày nay khách hàng tự tìm đến quỹ Universa chứ không phải ngược lại, bất chấp sự bình yên bất thường của thị trường và các chỉ số ở gần mức cao kỷ lục. 

Ông Spitznagel dự kiến đà tăng của chứng khoán Mỹ sẽ còn kéo dài hàng tháng nữa và thậm chí còn ngày càng dữ dội. Đó là bởi thị trường đang ở trong môi trường lý tưởng - lạm phát hạ nhiệt và khả năng Fed giảm lãi suất đang thúc đẩy triển vọng giá cổ phiếu tiếp tục đi lên.

Nhưng ông Spitznagel chỉ ra các đợt giảm lãi suất thường là tiếng chuông báo hiệu cho sự đảo chiều của thị trường chứng khoán. Một tín hiệu đảo chiều khác là một số chuyên gia trong cộng đồng đầu tư vẫn duy trì quan điểm thận trọng.

Ông cho biết: “Nhờ những người có cùng quan điểm, tôi không thấy mình là gã ngốc khi đưa ra dự báo bi quan”.

Quả bom hẹn giờ khổng lồ

Nhưng gần đây, tình hình đã thay đổi. Vào tháng 5, chuyên gia Mike Wilson của Morgan Stanley đã chuyển sang lập trường lạc quan sau khi mất chỗ đứng trong ban đầu tư toàn cầu của ngân hàng này.

Ông Marko Kolanovic, người từng là chuyên gia hàng đầu của JPMorgan, phải rời đi sau khi duy trì quan điểm tiêu cực về thị trường bất chấp đà tăng chóng mặt nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Các nhà quản lý quỹ không tham gia vào cơn sốt AI và không sở hữu các cổ phiếu như Nvidia đang phải hối hận. 

Những sự kiện trên gợi nhớ đến bong bóng dot-com. Vào năm 1999, vài tháng trước khi chỉ số S&P 500 đạt đỉnh, chiến lược gia có quan điểm bi quan của Merrill Lynch là ông Charles Clough cũng rời khỏi công ty sau nhiều năm gắn bó.

Ông Spitznagel dự đoán cơn địa chấn tiếp theo sẽ còn tồi tệ hơn 25 năm trước vì thị trường ngày nay có nhiều yếu tố cực đoan hơn. Ông tuyên bố chứng khoán Mỹ đang ở trong “bong bóng tồi tệ nhất lịch sử loài người”.

Tệ hơn, mức nợ công lớn và định giá chứng khoán cao sẽ khiến Washington khó có thể giải cứu thị trường. Ông Spitznagel dự kiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ gặp suy thoái vào cuối năm nay. Ông mô tả tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay là “quả bom hẹn giờ siêu khổng lồ đi kèm mồi lửa”.

Nhà quản lý quỹ cho biết chính phủ đã quá tích cực trong việc ngăn chặn các vấn đề kinh tế phát sinh. Sự can thiệp thái quá này dẫn đến sự tích tụ các rủi ro tiềm ẩn như nợ nần và chúng có nguy cơ bùng phát thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Trong tình cảnh đó, các nhà đầu tư bình thường không thể sử dụng chiến lược phòng hộ rủi ro đuôi nên làm gì? Câu trả lời của ông Spitznagel là không làm gì cả.

Ông Spitznagel nhận định đầu tư thụ động vào cổ phiếu là chiến lược dài hạn tốt nhất. Khác với các nhà quản lý quỹ, nhà đầu tư nhỏ lẻ không sợ bị khách hàng rút tiền khi có thành tích kém trong một năm. Do đó, những nhà đầu tư có thể đóng góp đều đặn cho một quỹ chỉ số bất chấp những tin tức đáng sợ sẽ có lợi nhuận ổn.

Giang