Chuyên gia đặt câu hỏi: Nền kinh tế Mỹ không hỏng hóc, tại sao Fed phải hạ lãi suất?
Kỳ vọng ngày càng lớn
Sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 với xác suất hơn 90%, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Báo cáo mới cho thấy CPI tháng 6 giảm 0,1% so với tháng liền trước và chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.
Loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi của tháng 6 tăng 0,1% so với tháng 5 và 3,3% so với cùng kỳ. Cả hai đều tăng thấp hơn dự báo tương ứng của các nhà kinh tế là 0,2% và 3,4%.
Theo báo cáo, xăng dầu là mặt hàng giúp kìm hãm lạm phát trong tháng 6. Cụ thể, giá xăng đi xuống 3,8%, giúp bù đắp cho mức tăng 0,2% của thực phẩm và chi phí nhà ở.
Chi phí nhà ở là một trong những thành phần “cứng đầu” nhất của lạm phát và chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng rổ hàng hoá dùng để tính CPI. Vì vậy, đà tăng của chi phí nhà ở chững lại là một dấu hiệu tích cực.
Ngoài ra, giá xe đã qua sử dụng của tháng 6 giảm 1,5% so với tháng 5 và 10,1% so với một năm trước. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra đợt tăng đầu tiên của lạm phát vào năm 2021.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã củng cố kỳ vọng của thị trường khi ông chia sẻ vào đầu tuần này rằng nền kinh tế có thể đối mặt rủi ro nếu ngân hàng trung ương Mỹ giữ lãi suất quá cao trong thời gian quá dài.
Theo. CNBC, các nhà kinh tế đánh giá bình luận của ông Powell đã có phần diều hâu hơn so với trước đây.
Tại sao nên hạ lãi suất?
Tuy nhiên, ông Carl Weinberg - nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn High Frequency Economics - cho rằng các quan chức Fed có lý do chính đáng để trì hoãn việc nới lỏng chính sách.
Chia sẻ trên một chương trình của. CNBC vào ngày 12/7, ông Weinberg đã đề cập đến những rủi ro khi nới lỏng tiền tệ.
“Chủ tịch Fed đã rất rõ ràng trong phiên điều trần vào đầu tuần này... rằng các thước đo lạm phát và nền kinh tế nói chung đều đang di chuyển theo hướng mà họ mong muốn”, ông Weinberg nói.
Vị chuyên gia cho biết tỷ lệ thất nghiệp đang dao động quanh mức 4%, lạm phát quay về gần mục tiêu 2% của Fed và nền kinh tế tăng trưởng gần sát tiềm năng dài hạn.
“Song, ông Powell cũng ngụ ý rằng tại sao chúng ta lại muốn thay đổi nếu nền kinh tế đang ở trong trạng thái toàn dụng việc làm, lạm phát ở gần mức mong muốn...? Tại sao chúng ta lại muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện tại?”, ông tiếp lời.
“Có những chuyên gia và dữ liệu kinh tế ủng hộ việc hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy một đám mây đang che mờ quyết định đó”, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm rằng mặc dù hiện tại khả năng hạ lãi suất vào mùa thu là rất cao, rất nhiều biến cố có thể xảy ra từ giờ cho đến cuộc họp vào ngày 18/9 của ngân hàng trung ương Mỹ.
Trước cuộc họp tháng 9, các quan chức sẽ nhận thêm hai báo cáo CPI khác. Cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 và thị trường dự đoán xác suất cho một đợt giảm lãi suất là khoảng 5%.
Trong ba năm qua, mức đỉnh lạm phát của Mỹ thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác. Song, tốc độ hạ nhiệt của lạm phát cũng chậm hơn, khiến Fed bị tụt lại phía sau trong quá trình nới lỏng tiền tệ.
Ngân hàng trung ương của khu vực đồng euro, Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển và Canada đều đã hạ lãi suất vào đầu năm nay. Ngân hàng trung ương Anh đang cân nhắc về một động thái tương tự vào tháng 8.