|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Châu Á-TBD mất hàng triệu việc làm vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

14:00 | 13/12/2018
Chia sẻ
Những thay đổi về sản xuất, các nguồn lực được phân bổ lại giữa các lĩnh vực và các quốc gia tại khu vực châu Á-TBD do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến hàng chục triệu người bị mất việc làm.
chau a tbd mat hang trieu viec lam vi cuoc chien thuong mai my trung
Thép được sản xuất tại nhà máy ở Incheon, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những thay đổi về sản xuất, các nguồn lực được phân bổ lại giữa các lĩnh vực và các quốc gia tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương do căng thẳng thương mại sẽ khiến hàng chục triệu người bị mất việc làm và buộc phải tìm kiếm công việc mới.

Việc giảm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất giới - Mỹ và Trung Quốc - có thể phần nào cứu vãn tình hình này.

Đây là nội dung chính trong báo cáo công bố ngày 12/12 của Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP).

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, báo cáo về tình hình thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2018 của UNESCAP nêu rõ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu giảm tới 400 tỷ USD và GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 117 tỷ USD.

Báo cáo cũng lưu ý rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã có tác động lớn, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hiện nay và khiến giới đầu tư lo lắng.

Tăng trưởng thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương chậm lại sau nửa đầu năm 2018 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này dự báo tiếp tục xu hướng giảm trong năm tới sau khi đã giảm 4% trong năm nay.

Báo cáo của UNESCAP kêu gọi các nước trong khu vực tận dụng tối đa các sáng kiến hiện có để tăng cường hợp tác, bao gồm cả hiệp ước mới của Liên hợp quốc về số hóa các thủ tục thương mại và giao dịch thương mại phi giấy tờ xuyên biên giới.

UNESCAP đồng thời nhấn mạnh cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh thương mại và sẽ tiếp tục tổn thất lớn về kinh tế nếu tiếp tục cuộc chiến này.

Vẫn theo báo cáo trên, việc thực hiện các thỏa thuận thương mại lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc có thể bù đắp phần lớn thiệt hại kinh tế do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gây ra.

Việc thực hiện các thỏa thuận như vậy có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở khu vực này, tăng trưởng từ mức 1,3 đến 2,9% và tạo thêm từ 3,5-12,5 triệu việc làm.

UNESCAP là ủy ban lớn nhất trong số các ủy ban khu vực của Liên hợp quốc với 53 quốc gia thành viên và 9 thành viên liên kết.

Ngoài các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thành viên của UNESCAP còn bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Hà Lan.

Xem thêm

Hữu Thanh