|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Á sẽ ném hàng tỷ USD qua cửa sổ nếu khí đốt bị ruồng bỏ như than đá

17:37 | 08/02/2022
Chia sẻ
Khi thế giới bắt đầu quay lưng lại với than đá, chính phủ và doanh nghiệp tại châu Á đã và đang đổ hàng đống tiền vào khí đốt như một giải pháp thay thế thiết thực và sạch hơn. Song, các chuyên gia cũng hoài nghi liệu khí đốt có thực sự an toàn hay không, qua đó làm dấy lên lo ngại rằng hàng tỷ USD vốn đầu tư thời gian qua có thể bị bỏ xó.

Trong kịch bản khí đốt trở thành mặt hàng năng lượng tiếp theo bị ruồng bỏ, các nước châu Á sẽ phải chật vật xử lý những dự án dang dở, trong khi doanh nghiệp đặt cược lớn vào vai trò của khí đốt cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Lý lẽ của người ủng hộ khí đốt

Trên cùng một đơn vị điện năng, khí đốt chỉ xả thải CO2 bằng một nửa so với than đá. Do đó, khá nhiều người đã lập luận rằng khí đốt cần được xem như một cầu nối của năng lượng tái tạo.

Gần đây, Hàn Quốc đã đưa khí LNG vào danh mục "năng lượng chuyển đổi" trong kế hoạch Green Taxonomy của nước này. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đề xuất coi năng lượng hạt nhân và khí đốt là các khoản đầu tư xanh trong hệ thống Taxonomy của khối kinh tế chung.

Green taxonomy là một hệ thống phân loại nhằm xác định tính bền vững và thân thiện với môi trường của các hoạt động kinh tế khác nhau, có thể coi như một bộ quy tắc nằm lòng của các nhà đầu tư, Nikkei Asia giải thích.

Châu Á sẽ ném hàng tỷ USD qua cửa sổ nếu khí đốt bị ruồng bỏ như than đá - Ảnh 1.

Một con tàu chở khí LNG từ Australia đến một bến cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Ở diễn biến khác, nhu cầu khí đốt sẽ đặc biệt lớn ở các nước mới nổi tại châu Á, những quốc gia không có đủ nguồn vốn và công nghệ để triển khai hàng loạt dự án năng lượng tái tạo như phương Tây.

Bình luận về điều này, ông Han Phoumin - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế, cho hay: "Khí đốt phải là nhiên liệu chuyển tiếp. Nếu đột ngột chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo mà không sử dụng khí đốt, châu Á có thể không kham nổi chi phí".

"Chi phí xây dựng và vận hành các dự án năng lượng tái tạo cao hơn rất nhiều so với các nhà máy điện khí hoặc điện than", vị chuyên gia thông tin thêm.

Không có gì ngạc nhiên khi quan điểm trên lại rất phổ biến trong ngành công nghiệp khí đốt. "Khí LNG rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng kinh tế tại các nước mới nổi, đặc biệt là châu Á", đại diện của tập đoàn thương mại Nhật Bản Mitsubishi - một trong các nhà cung ứng khí LNG lớn nhất nước này, nhấn mạnh.

"Thay vì nhảy thẳng từ than đá và dầu thô sang năng lượng tái tạo, chúng ta nên chuyển sang dùng khí đốt tự nhiên trước [rồi sau đó mới dùng điện tái tạo] vì tác động môi trường của khí đốt thấp hơn [than đá và dầu thô]", vị đại diện tiếp lời.

Hai bản báo cáo "chống" khí đốt

Tháng 12 năm ngoái, có hai tổ chức đã công bố các báo cáo cho thấy bất lợi của khí đốt tại châu Á, Nikkei đưa tin.

Cơ quan đầu tiên là Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA, trụ sở tại Mỹ). Theo IEEFA, "khoảng 62% công suất nhập khẩu khí đốt và 61% công suất điện phát bằng khí đốt có thể không được xây dựng" do một số yếu tố bất lợi ở cấp độ dự án và quốc gia tại các nước châu Á mới nổi mà tổ chức này từng nghiên cứu.

Báo cáo còn lại do Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM, cũng trụ sở tại Mỹ) công bố. Theo đó, cơ quan phi chính phủ này cảnh báo việc chuyển sang sử dụng khí đốt sẽ đe dọa các mục tiêu kinh tế và khí hậu của châu Á.

GEM cho biết, các dự án khí đốt đã được lên kế hoạch tại châu Á trị giá khoảng 358 tỷ USD, bao gồm những công trình như nhà máy phát điện, cảng và đường ống. Rất nhiều dự án có nguy cơ trở thành tài sản bị bỏ xó khi "năng lượng tái tạo giá rẻ và chính sách năng lượng sạch" làm giảm công suất phát điện từ nhiên liệu hóa thạch.

Bà Christine Shearer, một trong các tác giả của báo cáo thứ hai, cho hay: "Chúng tôi thấy các tổ chức tài chính đã ngừng hỗ trợ vốn vay cho các dự án khí đốt, lý do tương tự như cách dòng vốn rút khỏi các dự án than đá".

"Trong tương lai, nhiều dự án khí đốt tại châu Á có thể sẽ không vay vốn được", bà Shearer nhấn mạnh. Đồng thời, vị chuyên gia nói thêm rằng việc tăng cường sử dụng khí đốt thực chất sẽ lấn át và ngăn chặn sự phổ biến của năng lượng tái tạo, thay vì giúp kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm năng lượng sạch.

 

Nỗi lo đang dần lộ diện

Rủi ro rằng các dự án khí đốt có thể gặp khó khi vay vốn đang khiến những doanh nghiệp trong ngành lo lắng, đặc biệt là sau hội nghị COP26 - nơi các nhà lãnh đạo cam kết sẽ nhanh chóng quay lưng với tất cả các dạng nhiên liệu hóa thạch.

Sự biến động thất thường của giá khí tự nhiên có thể là một nguyên nhân khác khiến các tổ chức tài chính e ngại cho các dự án mới vay vốn vì họ khó có thể dự đoán lợi nhuận tiềm năng của dự án. Năm ngoái, giá khí đốt tự nhiên chuẩn đã tăng 45% do hoạt động kinh tế phục hồi nhanh cũng như do tình trạng thiếu than đá nghiêm trọng tại Ấn Độ và Trung Quốc.

Chia sẻ với Nikkei, giám đốc một công ty dầu khí ở Indonesia cho biết: "Chúng tôi tin chắc khí đốt sẽ đóng vai trò như một nhiên liệu quan trọng trong quá trình chuyển đổi đến giữa những năm 2030".

"Tuy nhiên sau đó, chúng tôi không còn chắc sẽ có khách hàng cần mua khí LNG và liệu công ty có thể có lãi hay không. Thời buổi này, thật khó để xây dựng một mô hình kinh doanh hiệu quả cho các cổ đông, nhà đầu tư và tổ chức tài chính tham gia vào các dự án khí đốt", vị giám đốc nói tiếp.

"Trong bối cảnh các nước trên toàn cầu đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 khí đốt chắc chắn sẽ bị ruồng bỏ. Chúng tôi sẽ phải vật lộn đoán xem khi nào thế giới không còn muốn tiêu thụ khí đốt nữa", ông tiếp tục.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu khí đốt sẽ tăng trong 5 năm tới, nhưng nếu thế giới tích cực theo đuổi kế hoạch phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, nhu cầu sẽ tụt mạnh sau năm 2025 và sau đó rời xa mức của năm 2020 vào năm 2030.

 

Khả Nhân

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.