|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Á sẽ bị thiệt hại lớn nếu giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng

10:32 | 21/10/2024
Chia sẻ
Theo Nikkei Asia, bất chấp nhu cầu giảm, lo ngại về việc giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng đang ngày càng gia tăng khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Nếu giá dầu chạm mốc này, châu Á sẽ bị đe doạ bởi nhiều nước đang có mức nhập khẩu thuộc top lớn nhất thế giới.

Trong tuần đầu tiên của tháng 10, Iran đã phóng tên lửa vào Israel. Đáp trả lại, Israel tuyên bố sẽ bắt Iran “trả giá” cho cuộc tấn công này.

Điều này dẫn đến suy đoán rằng Israel có thể trả đũa bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Hoặc leo thang căng thẳng có thể dẫn đến việc đóng cửa eo biển Hormuz, một tuyến đường quan trọng, vận chuyển 70% lượng dầu mà châu Á nhập khẩu.

Cuộc tấn công đã làm chao đảo thị trường, vốn đang trên đà suy yếu dần do nhu cầu giảm từ Trung Quốc. Giá dầu tăng sau vụ tấn công bằng tên lửa, với hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 8% trong một tuần và hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ tăng 9%.

Tuy nhiên, sau khi giá dầu Brent đạt đỉnh 81,16 USD vào ngày 7/10 và WTI lên tới 78,46 USD vào ngày hôm sau, giá bắt đầu giảm dần.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent và WTI lần lượt ở mức 73 USD và 69 USD/thùng.

Khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tăng lên, các nhà đầu tư đầu cơ đổ xô mua lại vị thế của mình. Ông Naohiro Niimura, đối tác tại Market Risk Advisory ở Tokyo, cho biết nếu căng thẳng tồi tệ hơn và "nếu tất cả những người đầu cơ mua lại các vị thế bán của họ, giá dầu Brent có thể lên tới 90 USD."

Ông cũng cảnh báo rằng nếu nguồn cung thực sự bị ngừng lại, giá có thể vượt ngưỡng 100 USD.

Dù khả năng giá dầu vượt 100 USD vẫn là kịch bản xấu nhất, nhưng điều này cũng cho thấy mức độ biến động của giá dầu có thể bị tác động bởi xung đột giữa Israel và Iran.

Nếu giá tiến gần mốc này, các nền kinh tế châu Á có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Iran là một nhà sản xuất dầu lớn, chiếm khoảng 3% sản lượng toàn cầu, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Nếu Israel gây thiệt hại cho các cơ sở của Iran, nguồn cung dầu thô sẽ bị hạn chế. Hơn nữa, có thể có hậu quả lan rộng vì các mỏ dầu của Iran gần với các mỏ ở Kuwait và Iraq, và xuất khẩu từ các nước này cũng có thể bị ảnh hưởng nếu tên lửa được phóng.

Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nhiều nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa, dù là do Iran cố ý hay vô tình. Các chuyến hàng dầu từ Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng phải đi qua eo biển này.

Nếu không có các xung đột địa chính trị lớn, dự kiến nguồn cung dầu thô sẽ đáp ứng nhu cầu đến năm 2025. Trong đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đặc biệt là ở Trung Quốc và Mỹ, giá dầu sẽ bị áp lực.

Ông Erik Norland, nhà kinh tế trưởng tại CME Group, công ty mẹ của Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago, nhận xét: “Thật ngạc nhiên khi giá dầu thô không cao hơn so với hồi tháng 5/2022, khi giá dầu thô vượt 100 USD/thùng. Lý do chính là nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng rất chậm.” 

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Theo một khảo sát gần đây của Nikkei và Nikkei Quick News, tăng trưởng kinh tế của nước này dự kiến sẽ giảm từ 5,2% năm 2023 xuống còn 4,8% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 9 trước khi các chính sách kích thích mới được công bố. Những biện pháp đã được hứa hẹn vẫn chưa đủ để xóa tan hoàn toàn lo ngại về sự chậm lại, vì các chi tiết và quy mô của gói chi tiêu vẫn chưa rõ ràng.

 Mỹ và Trung Quốc là động lực chính về nhu cầu dầu trong năm 2023 (Đơn vị: Triệu thùng/ngày, Nguồn: IEA, Nikkei Asia)

Ồng Norland cho biết: "Trong 20 năm qua, giá dầu thô thường theo sau tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc với độ trễ khoảng một năm."

Nhìn về tương lai, các tổ chức tài chính lớn dự báo giá dầu sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc giảm. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá Brent sẽ dao động trong khoảng 70 đến 85 USD, với mức trung bình là 77 USD trong ba tháng cuối năm nay và 76 USD vào năm 2025. 

Trong một báo cáo hồi tháng 9, Citi cho rằng "trừ khi OPEC+ cắt giảm sản lượng hơn mức hiện tại, giá năm 2025 có thể trung bình 60 USD/thùng”.

OPEC+ dự định bắt đầu tăng sản lượng vào tháng 12. Ban đầu, tổ chức này dự định gỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 10, nhưng đã hoãn lại hai tháng do triển vọng nhu cầu yếu.

 Theo ông Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản, việc tăng sản lượng trong chưa đầy hai tháng nữa sẽ dẫn đến tình trạng dư cung ít nhất 2,3 triệu thùng mỗi ngày vào năm tới. Ngay cả khi OPEC+ lại trì hoãn việc tăng sản lượng, cán cân cung cầu vẫn sẽ rơi vào tình trạng dư cung nhẹ hoặc cân bằng.

 Sản lượng dầu thô năm 2023 chia theo từng khu vực (Đơn vị: Triệu thùng/ngày, Nguồn: IEA, Nikkei Asia)

Ngoài khủng hoảng Trung Đông, các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giá dầu bao gồm căng thẳng Nga-Ukraine và kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chỉ còn hơn hai tuần nữa.

Các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của Nga trong cuộc chiến Ukraine đã khiến nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp. Dù nhiều quốc gia đã ngừng mua dầu xuất khẩu của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn nhập khẩu dầu từ nước này.

Cuộc đua tổng thống Mỹ giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris không có khả năng ảnh hưởng lớn đến ngành dầu đá phiến của Mỹ, theo một thông cáo báo chí của Rystad Energy.

Công ty nghiên cứu châu Âu này lưu ý rằng chính quyền Đảng Dân chủ trước đây đã áp đặt các hạn chế khai thác, nhưng bà Harris "chưa có ý định theo đuổi những lựa chọn này."

Tuy nhiên, ông Niimura nhận định, nếu thắng cử, bà Harris sẽ” theo nguyên tắc là một nhà bảo vệ môi trường, nên sẽ không có động lực nào cho việc tăng sản lượng dầu”. Chiến thắng của bà Harris có thể đẩy giá dầu lên cao hơn. 

Với kịch bản ông Trump thẳng cử, mặc dù giá có thể giảm nhưng thị trường sẽ có nhiều biến động. Ông Trump đã đưa ra những bình luận gây sốc vào tháng 10, nói rằng Israel nên tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Việc giá dầu tăng đột biến có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế châu Á, nơi nhiều nước phụ thuộc vào nhập khẩu dầu.

Tại Nhật Bản, theo ông Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cao cấp tại Viện Nghiên cứu NLI, giá dầu tăng sẽ làm tăng chi phí cho các công ty và người tiêu dùng, khi giá khí tự nhiên hóa lỏng, than đá và nhựa cũng sẽ tăng.

Tại Đông Nam Á, một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây. Tuần trước, ngân hàng trung ương Thái Lan và Philippines đã cắt giảm lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm, và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nước ASEAN khác dự kiến sẽ làm theo. Ông Manu Bhaskaran, giám đốc điều hành của Centennial Asia Advisors tại Singapore, dự đoán họ "sẽ bỏ qua việc tăng giá dầu do yếu tố chính trị gây ra trong ngắn hạn."

H.Mĩ

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.