|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô ghi nhận tuần tăng mạnh nhất gần hai năm

16:00 | 05/10/2024
Chia sẻ
Giá dầu thô ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất trong gần hai năm, trong bối cảnh thị trường lo ngại Israel hoặc Iran có thể tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng tại khu vực xuất khẩu dầu quan trọng nhất thế giới.

Chốt phiên giao dịch hôm thứ Sáu (4/10), giá dầu Brent đóng cửa ở mức 78 USD/thùng, tăng hơn 8% so với tuần trước sau đợt tăng giá kéo dài bốn ngày. Đây là mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 1/2023, theo Financial Times.

Diễn biến giá dầu Brent trong vòng một năm qua (USD/thùng, nguồn: tradingeconomics)

Giá dầu tăng vọt khi xung đột leo thang ở Trung Đông làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở khu vực chiếm 1/3 sản lượng dầu thô toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết Israel đã thảo luận về khả năng tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran để đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel tuần này.

Ông Biden cho biết Israel vẫn chưa quyết định cách thức phản ứng và gợi ý rằng nước này nên cân nhắc các phương án khác. Những bình luận này đã làm dịu phần nào đợt tăng giá vốn đã làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lạm phát mới.

“Nếu tôi ở vị trí của họ, tôi sẽ cân nhắc các lựa chọn khác thay vì tấn công các mỏ dầu,” ông Biden nói.

Iran xuất khẩu 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, chủ yếu từ một cảng trên đảo Kharg, cách bờ biển phía nam nước này khoảng 25km.

Ông Ben Luckock, giám đốc toàn cầu về dầu mỏ tại Trafigura, nhận xét: “Thị trường đã quá tự tin khi bỏ qua rủi ro địa chính trị. Giá dầu sẽ phụ thuộc vào mục tiêu cụ thể mà Israel nhắm tới tại Iran. Tất cả chúng ta đang theo dõi và chờ đợi.”

Các nhà phân tích và thị trường lo ngại rằng Israel có thể tấn công đảo Kharg, và Iran  có thể đáp trả bằng cách tấn công các cơ sở năng lượng trong khu vực.

Chuẩn tướng Ali Fadavi, phó chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, cảnh báo rằng nếu Israel có "bất kỳ sai lầm nào", Tehran sẽ "tấn công toàn bộ nguồn năng lượng của Israel, bao gồm cả nhà máy điện, nhà máy lọc dầu và các mỏ khí đốt".

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình của Lebanon, Al Mayadeen, ông Fadavi nói Iran có nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng, còn Israel thì ít hơn và dễ bị "tấn công chính xác, hủy diệt."

Nhóm vũ trang Kata’ib Hezbollah của Iraq, được Iran hậu thuẫn, mới đây tuyên bố rằng một "cuộc chiến năng lượng" sẽ dẫn đến mất mát lớn về nguồn cung cho thế giới. Họ ám chỉ rằng năng lực xuất khẩu của các nước khác sẽ bị nhắm tới.

Kata'ib Hezbollah tuyên bố trên Telegram rằng, “Nếu chiến tranh năng lượng bắt đầu, thế giới sẽ mất 12 triệu thùng dầu mỗi ngày. Như chúng tôi đã nói trước đây, một là tất cả thế giới sẽ có dầu thô để sử dụng, hai là sẽ chẳng ai còn dầu cả”

Các nước xuất khẩu dầu trong khối OPEC có công suất dự trữ hơn 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Phần lớn công suất này tập trung ở Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Nguồn dự trữ này có thể được khai thác nếu nguồn cung từ Iran bị gián đoạn.

Nếu Iran chặn tàu chở dầu qua eo biển Hormuz, khoảng một phần năm lượng dầu tiêu thụ toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu từ các nhà sản xuất lớn như Ả Rập Saudi, UAE, Kuwait và Iraq. Qatar cũng vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng qua eo biển này. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ gọi đây là "điểm nút thắt cổ chai vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới."

Việc đóng hoàn toàn eo biển chưa từng xảy ra trước đây. Nếu điều đó xảy ra, giá dầu sẽ tăng vọt lên mức 150 USD/thùng hoặc cao hơn, theo nhận định của Claudio Galimberti, nhà kinh tế trưởng tại Rystad Energy.

“Nếu tình trạng này chỉ kéo dài 10 ngày, nó sẽ là một sự gián đoạn lớn. Nhưng nếu kéo dài một tháng, nó sẽ phá hủy nền kinh tế toàn cầu.”, ông Claudio Galimberti nói. 

Trong cuộc chiến Iran-Iraq những năm 1980, Tehran đã gài mìn ở eo biển này trong cái gọi là "cuộc chiến tàu chở dầu". Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào để chặn nguồn cung cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của chính Iran.

Trong cuộc chiến Iran-Iraq vào những năm 1980, Tehran đã rải mìn tại eo biển này. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chặn nguồn cung dầu qua eo biển cũng sẽ làm gián đoạn khả năng xuất khẩu của chính Iran.

Một quan chức của Iran cho biết “Eo biển Hormuz ổn định rất quan trọng với chúng tôi vì phần lớn dầu được xuất khẩu qua đây. Bất kỳ sự bất ổn nào tại khu vực này đều sẽ ảnh hưởng đến Iran. Hiện tại, chúng tôi chưa cân nhắc đến những biến số xấu. Nhưng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, chắc chắn những người có quyền quyết định sẽ suy nghĩ về vấn đề này. Đây là kịch bản xấu nhất nếu các cuộc tấn công tiếp tục”

Các quan chức Iran đã thảo luận về cuộc khủng hoảng với các nước láng giềng xuất khẩu năng lượng ở vùng Vịnh. Tuần này, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã gặp Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani và Bộ trưởng Ngoại giao Arab Saudi Saudi Prince Faisal bin Farhan tại Doha.

H.Mĩ