|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng dầu thô của OPEC giảm mạnh trong tháng 9 do nguồn cung từ Libya gián đoạn

16:45 | 02/10/2024
Chia sẻ
Sản lượng dầu thô của OPEC đã giảm mạnh trong tháng trước do khủng hoảng chính trị làm gián đoạn nguồn cung từ Libya.

Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, sản lượng từ Tổ chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm 480.000 thùng mỗi ngày, xuống còn 26,61 triệu thùng/ngày vào tháng 9. Việc sản lượng dầu của Libya giảm 38% xuất phát từ xung đột giữa các chính phủ đối lập, khi một bên ngừng xuất khẩu để giành quyền kiểm soát ngân hàng trung ương.

Sự gián đoạn này vô tình mang lại lợi ích cho phần còn lại của OPEC. Tổ chức này đang nỗ lực hạn chế sản xuất nhằm giữ giá dầu thô ổn định. Tuy nhiên, lợi thế này có thể không kéo dài lâu. Libya đang chuẩn bị khôi phục sản lượng sau khi hai phe đối lập đạt được thỏa thuận, theo giới thạo tin.

Mặc dù sản lượng của Libya giảm, giá dầu thế giới không bị ảnh hưởng nhiều. Giá dầu giảm 17% kể từ đầu tháng 7, xuống còn khoảng 73 USD/thùng do lo ngại về nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hôm thứ Ba (1/10), giá dầu Brent đã tăng 2,8% khi các quan chức Mỹ cho biết Iran, thành viên của OPEC, đang chuẩn bị tấn công Israel, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Giá dầu giảm gây khó khăn cho OPEC và các đồng minh khi họ dự định khôi phục một phần sản lượng đã cắt giảm. Nhóm này đã buộc phải hoãn việc tăng sản lượng đến tháng 12 do tình hình thị trường không thuận lợi.

Ủy ban Giám sát Bộ trưởng Chung (JMMC) của OPEC+, sẽ họp trực tuyến vào thứ Tư (2/10) để đánh giá thị trường toàn cầu. Theo các đại biểu yêu cầu giấu tên, không có thay đổi lớn nào về chính sách dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp này.

JMMC dự kiến sẽ tập trung vào những thành viên chưa thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng, như Iraq và Kazakhstan. OPEC+ vẫn còn vài tuần nữa để quyết định liệu có tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12 hay không.

Iraq đã cải thiện đôi chút trong tháng 9 khi giảm sản lượng 70.000 thùng/ngày, xuống còn 4,25 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Iraq vẫn chưa đạt được mục tiêu 4 triệu thùng/ngày như đã cam kết. Bên cạnh đó, các đợt cắt giảm bổ sung nhằm bù đắp cho việc vi phạm trước đây cũng chưa được thực hiện.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tăng sản lượng thêm 50.000 thùng/ngày, đạt 3,22 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Con số này vượt xa hạn ngạch mà OPEC+ đã đặt ra.

Số liệu điều chỉnh cho thấy Iran, nước được miễn trừ hạn ngạch do đang chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ, đã tăng sản lượng lên mức cao nhất trong 6 năm, đạt 3,37 triệu thùng/ngày vào tháng 8. Tuy nhiên, sản lượng của Iran đã giảm nhẹ 30.000 thùng/ngày vào tháng 9.

Cuộc khảo sát của Bloomberg dựa trên dữ liệu theo dõi tàu, thông tin từ các quan chức và ước tính từ các chuyên gia tư vấn như FGE, Kpler Ltd., Rapidan Energy Group và Rystad Energy.

H.Mĩ